Viếng đền thờ cụ Võ Trường Toản

Khi đến thăm Bến Tre, nhiều người thường nhắc đến: Đình Phú Lễ, mộ cụ Đồ Chiểu… mà ít người biết khu mộ và đền thờ cụ Võ Trường Toản. Ông là một nhà nho lớn, một nhà giáo tài ba lỗi lạc của miền Nam vào thế kỷ 18 đã đào tạo nên nhiều nhân tài cho đất nước như: Ngô Tùng Châu, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định mà thời bấy giờ gọi là "Gia Định tam gia thi".

img

Cổng vào đền thờ cụ Võ Trường Toản
 
Ông Phan Văn Năm (cháu đời thứ 6 của cụ Phan Thanh Giản) người quản lý trên 1.000 m2 đất của dòng họ Phan, cách bờ biển Bến Tre không xa, làm khu mộ và đền thờ cụ Võ Trường Toản từ khi cụ mới mất vào năm Nhâm Tý (1792) cho biết: "Cụ Phan Thanh Giản không phải là học trò hay bà con, dòng tộc của cụ Võ Trường Toản. Nhưng vì kính nể đức rộng, tài cao của cụ Võ Trường Toản mà ông cho đất, chọn người trong dòng họ Phan để lo chăm sóc đền thờ và phần mộ của cụ Toản đến ngày nay".
 
Trên văn bia dựng trước ngôi mộ cụ Võ Trường Toản còn ghi: Lòng Vua cảm mến tiếc thương ban Hiệu "Gia Định Xử sĩ sùng đức Võ tiên sinh" (Võ tiên sinh là bậc xử sĩ ở Gia Định, có tài đức cao dày). Ông Phan Văn Năm cho biết thêm, năm 1996, học sinh Trường Trung học Võ Trường Toản ở TP Hồ Chí Minh đã vận động quyên góp tiền để trùng tu lại ngôi đền thờ và tượng cụ ngồi ung dung cầm quyển sách chứa nhiều bài phú với tựa Hoài cổ được đặt trang trọng chính giữa ngôi đền.

img

Tượng cụ Võ Trường Toản.
 
Ngày 24-1-1998, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Nguyễn Khoa Điềm ký quyết định công nhận khu mộ và đền thờ cụ Võ Trường Toản tại ấp Thạnh Nghĩa, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.