Du lịch hứa hẹn bứt phá
Nhiều điểm đến nườm nượp khách nội địa và quốc tế dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, hứa hẹn một năm bứt phá của du lịch Việt Nam
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, trong 2 ngày cuối tuần qua (mùng 8 và 9 Tết), khu vực bờ biển TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, TP Đà Nẵng... vẫn nườm nượp du khách. Trước đó, trong cả dịp Tết Nguyên đán, nhiều khách sạn tại các điểm đến này luôn kín phòng.
Tín hiệu khả quan
Tại TP HCM, Sở Du lịch thông tin khách quốc tế đến thành phố trong dịp Tết Nguyên đán 2024 ước đạt 75.000 lượt, tăng 15,4% so với Tết năm ngoái. Trong đó, khách tàu biển - dòng khách du lịch cao cấp đến từ châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản - và khách đi du lịch tự túc tăng cao. Số lượng khách tại các khu, điểm du lịch, tụ điểm vui chơi - giải trí... ước khoảng 1,8 triệu lượt, tăng 5,9%; doanh thu ước đạt 6.550 tỉ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dịp Tết này, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 280.000 lượt khách du lịch, trong đó có 20.000 lượt khách quốc tế. Các khách sạn 3 - 5 sao tại đây đang phục vụ khách với công suất 90% - 95%; loại hình khác đạt công suất khoảng 75% - 85%. Riêng TP Đà Lạt ghi nhận 238.000 lượt khách - tăng gần 61% so với dịp này năm ngoái, trong đó khách quốc tế là 18.000 lượt, khách lưu trú hơn 178.000 lượt...
Số liệu của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho thấy trong dịp Tết Nguyên đán, từ ngày 8 đến 14-2, ngành du lịch cả nước ước đón và phục vụ 10,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khoảng 3,5 triệu lượt khách lưu trú - tăng 75% so với cùng kỳ năm 2023; công suất phòng trung bình ước khoảng 45% - 50%.
Về khách quốc tế, trong tháng đầu năm 2024, lượng khách đến Việt Nam đạt 1,5 triệu lượt, tăng 73,6% so với cùng kỳ. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam dịp Tết Nguyên đán tiếp tục tăng so với Tết dương lịch 2024 và cùng kỳ năm 2023 nhờ hiệu ứng từ chính sách thị thực thuận lợi, định hướng đúng trong cơ cấu lại thị trường khách và sự nỗ lực của các doanh nghiệp, các địa phương.
Chẳng hạn, một số địa phương đã phối hợp với các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành tổ chức chào đón khách "xông đất", tạo hứng khởi cho khách du lịch trong ngày đầu năm mới. Nhiều khu, điểm du lịch đã chủ động chuẩn bị các chủ đề đặc sắc, sản phẩm du lịch sáng tạo kết hợp công nghệ cao. Trong khi đó, các hãng hàng không tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng cường chuyến bay...
Thừa thắng xông lên
Những tín hiệu tích cực trong dịp Tết Nguyên đán cho thấy ngành du lịch có triển vọng khả quan trong cả năm 2024.
Năm nay, ngành du lịch đặt mục tiêu lớn là đón 18 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa. Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, nhận định ngành du lịch có nhiều cơ sở để tự tin đạt được mục tiêu này. Cụ thể, thời gian qua, du lịch Việt Nam đã được các tổ chức và truyền thông quốc tế đánh giá cao, giành nhiều danh hiệu tại Giải thưởng Du lịch thế giới.
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã yêu cầu các địa phương, đơn vị chuẩn bị kế hoạch thu hút khách quốc tế - bao gồm quảng bá, xúc tiến tại các sự kiện như: Hội chợ ITB tại Berlin - Đức, Hội chợ Du lịch quốc tế tại Hàn Quốc, Hội chợ ASEAN - Trung Quốc, Hội chợ Du lịch quốc tế Trung Quốc, Hội chợ Du lịch thế giới...
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng để ngành du lịch thắng lợi trong năm 2024, cần chú ý nhiều đến liên kết du lịch, xây dựng sản phẩm mới tiêu biểu, đặc sắc, có lợi thế của từng vùng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá tới những thị trường tiềm năng thay vì dựa vào thị trường truyền thống; thay đổi cách thức để tiếp cận được những thị trường có mức chi tiêu cao.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, thời gian qua, chúng ta đã chuyển từ việc đưa thông tin lên website và chờ du khách tìm hiểu sang chủ động quảng bá, hình thành các trung tâm xúc tiến du lịch ở các thị trường trọng điểm. Với cách làm này, chỉ trong thời gian ngắn, ngành du lịch đã có sự chuyển biến khi khách quốc tế đến nhiều hơn.
"Khách du lịch bắt đầu hướng đến thị trường có yếu tố đặc sắc về văn hóa như Việt Nam để trải nghiệm, khám phá và đi theo nhóm nhỏ. Tiếp cận theo hướng này thì hy vọng lượng khách quốc tế đến sẽ đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, đóng góp đáng kể cho ngành dịch vụ" - Bộ trưởng tin tưởng.
Còn nhiều việc phải làm
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietravel, cho rằng để đạt mục tiêu đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay, đánh dấu sự phục hồi về mức năm 2019 - khi dịch COVID-19 chưa bùng phát, cần có sự đánh giá cụ thể về từng thị trường trọng điểm.
"Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... là những thị trường chủ đạo ở khu vực Đông Bắc Á của Việt Nam nhưng chúng ta vẫn thiếu vắng chiến lược, giải pháp đối với từng thị trường. Cần có chính sách rõ ràng, mục tiêu cụ thể về số lượng khách của mỗi thị trường, từ đó có kế hoạch và hành động ngay để không chậm chân" - ông Kỳ góp ý.
Theo ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Vietluxtour, khách quốc tế đến Việt Nam mới chỉ phục hồi khoảng 65% - 70% so với thời điểm trước dịch COVID-19. Trong khi đó, các nước trong khu vực cũng đang đẩy mạnh thu hút khách quốc tế nên sự cạnh tranh sẽ rất gay gắt.
"Du khách không còn "cưỡi ngựa xem hoa" như trước mà mong muốn trải nghiệm nhiều hơn. Sản phẩm, dịch vụ cần có sự khác biệt, nếu chỉ cạnh tranh bằng giá rẻ thì sẽ khó thu hút khách quay lại. Thời gian qua, khách sạn 4 - 5 sao đạt công suất khá ổn, đón khách quốc tế tốt hơn khách sạn 2, 3 sao" - ông Dũng nêu thực tế.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng đã đến lúc ngành du lịch cần thiết kế những điểm đến vừa mang bản sắc Việt vừa có tính quốc tế cao, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa. Bà Ngô Hương, Phó Tổng Giám đốc kinh doanh và marketing Vinpearl - Tập đoàn Vingroup, cho rằng Việt Nam cần đầu tư những điểm đến đẳng cấp, đa trải nghiệm với sản phẩm sáng tạo, độc đáo, thậm chí trở thành điểm "phải đến" tại châu Á.
Về giải pháp, theo bà Hương, rất cần chính sách miễn visa linh hoạt cho một số thị trường chủ lực trong từng giai đoạn; nghiêm túc xây dựng kế hoạch phát triển du lịch xanh - bền vững cấp quốc gia; hành động để đạt được các tiêu chuẩn của Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu, bởi đây là chỉ số được khách quốc tế đặc biệt đánh giá cao.
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐTV Công ty Du Ngoạn Việt, cho biết công ty thường tham dự những cuộc đấu thầu trực tiếp của các hãng tàu du lịch biển ở Mỹ, châu Âu nhằm giành quyền đón khách khi tàu cập cảng Nha Trang, TP HCM, Đà Nẵng, Chân Mây, Hạ Long...
"Để thu hút khách tàu biển, bên cạnh phong cảnh đẹp, cần đầu tư xây dựng tour, tuyến mới với yếu tố văn hóa bản địa kết hợp sự hiện đại. Khách tới Việt Nam để tìm hiểu về truyền thống, lịch sử, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa, thăm những làng nghề truyền thống. Nơi nào đánh mất dần yếu tố văn hóa bản địa, nơi đó sẽ dần kém sự hấp dẫn với khách quốc tế" - ông Xuân Anh chia sẻ kinh nghiệm.
Tập trung nguồn lực quảng bá điểm đến Việt Nam
Ông Nguyễn Thành Lưu, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, nêu quan điểm cần tập trung nguồn lực để quảng bá du lịch, không thực hiện manh mún. Đặc biệt, cần khắc phục tình trạng du lịch Việt Nam "đi trước về sau" khi chúng ta hiện nay không chỉ thua Thái Lan, Malaysia mà còn bắt đầu thua cả Indonesia về đón khách quốc tế.
"Quan trọng nhất là quảng bá điểm đến, hình ảnh con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Sự cạnh tranh bây giờ là cạnh tranh điểm đến Việt Nam với các nước trong khu vực, không còn là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp hay các địa phương" - ông Lưu nhận xét.
Cùng hiến kế giải pháp để khách quốc tế trở lại
Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả không phải là làm sao đón khách mà cần tìm giải pháp để khách quốc tế ở lại lâu hơn, chi tiêu cao hơn và quay lại Việt Nam.
Báo Người Lao Động mở diễn đàn "Để thu hút khách quốc tế trở lại nhiều lần" nhằm ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và bạn đọc.
Mọi ý kiến đóng góp, đề xuất, hiến kế cho diễn đàn vui lòng gửi về email: toasoan@nld.com.vn.