Người cao tuổi thời @
Năng động; biết cách giữ gìn sức khỏe, tạo niềm vui cho mình; tiếp tục đóng góp cho xã hội... Đó là những thay đổi tích cực dễ thấy ở không ít người cao tuổi hiện nay
6 giờ 20 phút mỗi ngày, bà Thái Thị Thanh Loan (77 tuổi, ngụ quận 3, TP HCM) lại rời nhà đến công viên Tao Đàn (quận 1) tập thể dục nhịp điệu cùng bạn bè.
Sống vui, sống khỏe
Nhóm bà Loan có chừng 10 người, từ 60 tuổi trở lên, trừ lúc trời mưa hoặc sức khỏe không tốt, đều đặn 6 giờ 30 phút hằng ngày, họ tập trung tại công viên.
"Hơn 3 năm rồi, tôi cùng các chị em tập trung để tập thể dục nhịp điệu, tập mệt thì ngồi tâm sự chuyện gia đình. Già rồi, tụ họp cùng bạn đồng lứa nên đỡ buồn, chân tay không còn đau nhức mà dẻo dai hơn, tinh thần cũng thoải mái" - bà Loan chia sẻ.
Bà Loan có 3 con, ai cũng có gia đình và sự nghiệp ổn định. 5 năm trước, chồng qua đời, sức khỏe bà sa sút hẳn. Con cháu đi làm, đi học tối mịt mới về nhà nên bà thui thủi một mình, có chuyện buồn cũng không có thời gian tâm sự với con cháu.
"Trước đó, nhiều người hỏi tôi có buồn không? Tôi thật sự không dám trả lời, giờ có thể dõng dạc đáp "không buồn". Buổi sáng tôi cùng mọi người tập thể dục, buổi chiều lại đến trung tâm văn hóa quận ngồi thiền. Lâu lâu lại rủ nhau đi du lịch… Cuộc sống vì vậy trở nên thú vị" - bà Loan kể.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phước (67 tuổi; ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) lại chọn không gian sách để tiêu khiển. Thói quen đọc sách được ông Phước duy trì từ khi nghỉ hưu đến nay. Từ ngày đọc sách, ông thấy mình minh mẫn, nhẫn nại và khỏe hơn nhiều.
Theo ông Phước, để có được tuổi già thảnh thơi cũng phải có sự chuẩn bị trước đó, có kinh tế ổn định, không vướng bận con cháu, không đau ốm bệnh tật...
"Người cao tuổi bây giờ có tri thức nhất định nên học hỏi không kém gì lớp trẻ. Với chiếc điện thoại thông minh, họ có thể kết nối với bạn bè, mua hàng trên mạng, học ngoại ngữ...
Offline thì đi nhà sách, giao lưu bạn bè, tham gia câu lạc bộ nhiếp ảnh, cờ tướng, hoạt động từ thiện... Những gì trước nay yêu thích mà chưa thực hiện được vì bận làm việc kiếm sống thì nay dành thời gian cho nó. "Bận rộn" suốt như vậy nên thấy cuộc sống rất ý nghĩa" - ông Phước tâm sự.
Người cao tuổi giờ có quan niệm sống “thoáng” hơn, tích cực hơn nên có được nhiều niềm vui hơn. Trong ảnh: Những cựu nữ sinh họp mặt chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam để tri ân thầy cô (Ảnh: Vy Thư)
Bà Nguyễn Hồng Liên (60 tuổi, ngụ quận 1, TP HCM) cũng cho rằng hình ảnh ông bà kiểu mẫu cả ngày lo cơm nước, quanh quẩn bên con cháu đã "xưa rồi". Người cao tuổi giờ có quan niệm sống "thoáng" hơn, tích cực hơn nên có được nhiều niềm vui hơn.
"Điều này chứng tỏ chất lượng cuộc sống được nâng cao. Bây giờ với chúng tôi, tuổi tác không còn là vấn đề. Không làm bạn với bốn bức tường, chúng tôi đi ra ngoài nhiều hơn, tiếp xúc với nhiều loại hình hơn để đầu óc được thoải mái.
Cả đời lo cho con, cả đời quần quật làm việc nên với chúng tôi bây giờ sống vui, sống khỏe, không dựa dẫm hay phụ thuộc con cái là ưu tiên hàng đầu. Sống vậy không phiền con mà mình cũng khỏe" - bà Liên chia sẻ khi vừa kết thúc buổi đánh cầu lông ở công viên Gia Định.
Nguồn lực dồi dào
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tháng 8-2022, Việt Nam có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,86% dân số.
Những năm gần đây, số người cao tuổi ở Việt Nam liên tục tăng nhanh, tỉ lệ người cao tuổi ngày càng gia tăng trong cơ cấu dân số. Số người trên 60 tuổi năm 2022 là 12% và đến năm 2050 sẽ là 28%.
Đại diện Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist (Saigontourist) thông tin từ năm 2022, lượng du khách từ 60 tuổi trở lên tại Saigontourist ngày càng tăng, điểm đến cũng không ngừng được mở rộng đến các quốc gia trên thế giới. Họ thường chọn công ty du lịch uy tín, kinh nghiệm lâu năm về tour dành cho người cao tuổi.
"Với người cao tuổi, du lịch đem lại những lợi ích không ngờ, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa bỏ tâm lý cô đơn của tuổi già.
Nếu điều kiện cho phép về sức khỏe, kinh tế, việc lên lịch để có những chuyến đi thêm vui, thêm khỏe lúc tuổi già sẽ giúp duy trì kết nối, đây cũng là một yếu tố giúp kéo dài tuổi thọ" - đại diện Saigontourist cho biết.
Theo chuyên viên tâm lý Mai Thanh Thủy (Trung tâm Tham vấn tâm lý The Sight), tuổi càng cao thì hệ miễn dịch càng suy giảm do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, tinh thần lạc quan; lối sống hài hòa, phù hợp; môi trường sống tốt, ăn uống khoa học, tập thể dục nhẹ nhàng... sẽ giúp người cao tuổi đẩy lùi, hạn chế bệnh tật, giảm stress.
"Trước đây, người cao tuổi thường bị xem là gánh nặng của xã hội, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến vai trò, sự đóng góp của người cao tuổi đối với sự phát triển quốc gia.
Ngày nay, người cao tuổi được coi là nguồn lực dồi dào về tri thức, kinh nghiệm, có khả năng tiếp tục đóng góp cho xã hội, đem lại nhiều giá trị hơn cho đất nước. Điều này giúp cho họ thấy cuộc sống có ý nghĩa và có ích hơn, từ đó giảm bớt cảm giác chán nản, mệt mỏi thường thấy, đặc biệt là dễ thông cảm, sẻ chia, hạn chế suy nghĩ tiêu cực" - bà Mai Thanh Thủy nói.
Để khơi dậy niềm vui sống tuổi già, ngoài những chính sách chăm lo, những chủ trương đúng đắn để phát huy vai trò của người cao tuổi, bà Mai Thanh Thủy gợi ý tại các đô thị lớn, cần quan tâm xây dựng thêm các hội nhóm, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, không gian sinh hoạt chung ngoài trời để người cao tuổi được đánh cờ, tập dưỡng sinh, hay tản bộ...