Khối dân lập, tư thục vắng vẻ

Hồ sơ chủ yếu nộp vào những ngành dễ xin việc, đặc biệt với khối kỹ thuật, nông nghiệp. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội có thể coi là sự lựa chọn hàng đầu của thí sinh khu vực phía Bắc

img
Sở GD-ĐT các tỉnh phía Bắc bàn giao hồ sơ đăng ký tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ. Ảnh: Thái An
Việc bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) của thí sinh cho các trường ĐH, CĐ đã được các sở GD-ĐT phía Bắc hoàn tất hôm qua, 5-5. Theo nhận định ban đầu, năm nay, số hồ sơ vẫn ổn định, thí sinh dự thi khối A tăng mạnh trong khi khối C giảm nhiều.

ĐH vùng, ĐH tỉnh vẫn thu hút 

Cả lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội lẫn Sở GD-ĐT Bắc Giang đều khẳng định số hồ sơ dự thi vào các trường khối dân lập, tư thục đều rất ít, kể cả một số trường ngoài công lập thuộc loại “đỉnh” như Trường ĐH Thăng Long thì lượng hồ sơ cũng chỉ thuộc loại bình thường.

Theo ghi nhận của phóng viên, năm nay, các thí sinh chọn ngành rất thực tế, hồ sơ chủ yếu nộp vào những ngành dễ xin việc, đặc biệt với khối kỹ thuật, nông nghiệp. Với nhiều lợi thế về đầu ra và quản lý đào tạo tốt, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội có thể coi là sự lựa chọn hàng đầu của thí sinh phía Bắc.

Bà Tạ Thị Song Hà, Phó trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết trong tổng số 165.502 hồ sơ mà sở thu được thì có tới 12.000 hồ sơ nộp vào Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, một con số rất cao. Tỉnh Thanh Hóa có số thí sinh dự thi vào trường này lên tới 9.000/90.342 hồ sơ. Tại các tỉnh Hà Nam, Bắc Giang, Nam Định, Hải Dương…, số hồ sơ ĐKDT vào Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng là cao nhất. Tại tỉnh Hà Nam, con số này là 2.840/22.111 hồ sơ, Bắc Giang 5.016/36.822 hồ sơ, Nam Định 5.182/59.317 hồ sơ…

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Bắc Giang nhận định khối ngành kỹ thuật có nhu cầu nhân lực cao, dễ xin việc nên thí sinh lựa chọn nhiều nhất. Với 4.500 chỉ tiêu hệ ĐH, 4.500 chỉ tiêu hệ CĐ và 2.500 chỉ tiêu hệ TCCN, chắc chắn tỉ lệ chọi vào Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội sẽ rất cao.

Lựa chọn những trường ĐH top 2 và ĐH vùng với mức điểm “tầm tầm” tiếp tục là xu hướng chung của mùa tuyển sinh năm nay. Ông Tạ Văn Anh, Phó trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Bắc Giang, cho biết có tới 6.332 hồ sơ của thí sinh tỉnh này nộp vào Trường ĐH Thái Nguyên. Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc nhận tới 1.974 hồ sơ nộp vào Trường ĐH Thái Nguyên, trong khi đó cũng có 6.332 hồ sơ của thí sinh Bắc Giang dự thi vào trường này. Thanh Hóa có tới 10.500 hồ sơ dự thi vào Trường ĐH Hồng Đức của tỉnh này, Quảng Ninh cũng có hơn 2.600 hồ sơ dự thi vào Trường ĐH Quảng Ninh.

Một thành viên ban chỉ đạo tuyển sinh của Bộ GD-ĐT cho rằng việc thí sinh chọn các trường ĐH vùng, ĐH tỉnh là một phương án sáng suốt để có một chỗ ngồi trên giảng đường ĐH.

Sư phạm: Quá ít

Các trường sư phạm tỏ ra không còn sức hút đối với thí sinh. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho biết hồ sơ dự thi vào các trường sư phạm của tỉnh này giảm khoảng 2/3 so với năm trước. Lý do, theo vị lãnh đạo này, là việc tuyển dụng giáo viên tương đối khó khăn, có những nơi thừa giáo viên thì ai cũng muốn xin vào nhưng nơi thiếu (như ở miền núi) thì lại không ai muốn đến.

Cả tỉnh Hà Nam cũng chỉ có 207 hồ sơ dự thi vào Trường ĐH Sư phạm II, trong khi số hồ sơ dự thi vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng chỉ là 537 hồ sơ, giảm rõ rệt so với các năm trước. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc cũng cho hay số hồ sơ thi vào các trường sư phạm rất ít.

Năm nay, các trường dân lập cũng không phải là lựa chọn của thí sinh, dù chỉ cần điểm sàn là có thể đậu ĐH. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nam cho biết rất ít thí sinh chọn trường ĐH dân lập, tư thục, dù là của tỉnh. Trường ĐH Hà Hoa Tiên của tỉnh Hà Nam chỉ nhận được 50 hồ sơ ĐKDT của thí sinh địa phương. Cả tỉnh Bắc Giang chỉ có 26 hồ sơ dự thi vào Trường ĐH Thành Đô, 7 hồ sơ dự thi vào Trường ĐH Chu Văn An, 4 hồ sơ vào Trường ĐH Hùng Vương, 4 hồ sơ vào Trường ĐH Tôn Đức Thắng.