Phát hiện hành tinh "cô đơn" trôi giữa vũ trụ

(NLĐO) - Các nhà thiên văn của Mỹ đã phát hiện một hành tinh lạ không quay quanh ngôi sao chủ mà trôi tự do trong không gian, cách trái đất 80 năm ánh sáng và có khối lượng gấp 6 lần sao Mộc.

Hành tinh kỳ lạ này có tên PSO J318.5-22, được hình thành khoảng 12 triệu năm trước Theo TS Michael Liu của Viện Thiên văn học tại ĐH Hawaii, hành tinh được xác định nhờ vào tín hiệu nhiệt yếu ớt nhưng hết sức khác thường của nó.

img
PSO J318.5-22 trôi dạt một mình ngoài vũ trụ
 
Nhóm nghiên cứu cho biết họ đã sử dụng kính thiên văn Pan-STARRS 1 (PS1) đặt tại Canada - Pháp - Hawaii để quan sát hành tinh này trên diện rộng suốt 2 năm.

“Chúng tôi chưa từng thấy một vật thể trôi nổi tự do trong không gian giống như hành tinh này. Nó hội đủ các đặc điểm của một hành tinh trẻ quay quanh các ngôi sao, nhưng PSO J318.5-22 lại một mình trôi dạt ngoài kia”, ông Liu nói.

Số hành tinh ngoài Hệ Mặt trời đã được phát hiện trong thập kỷ qua là khoảng 1.000.  Tuy nhiên, chúng ta chỉ ghi lại được hình ảnh của một số ít các hành tinh, tất cả đều quay quanh ngôi sao trẻ (ít hơn 200 triệu năm tuổi).

Là một trong những thiên thể trôi tự do có khối lượng thấp nhất tính đến giờ phút này, hành tinh PSO J318.5-22 được chú ý đặc biệt do sở hữu mọi đặc điểm của các hành tinh quay sao trẻ, từ khối lượng, màu sắc và độ tỏa nhiệt.
 
 
img
 

 
TS Niall Deacon của Viện Thiên văn học Max Planck tại Đức, đồng tác giả nghiên cứu cho biết vì PSO J318.5-22 không có ngôi sao chủ nên rất dễ nghiên cứu.

"Chúng tôi thường ví việc tìm kiếm vật thể vũ trụ hiếm như “mò kim đáy bể". Chúng tôi quyết định tìm kiếm trên các bộ dữ liệu từ PS1 với 60.000 bức ảnh mỗi đêm. Tổng số các bộ dữ liệu cho đến nay là khoảng 4.000", TS Eugene Magnier của Viện Thiên văn học tại Đại học Hawaii, đồng tác giả nghiên cứu, nói.