Mở rộng đường đón khách EU

EuroCham Việt Nam vừa gửi thư tới Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất mở rộng danh sách miễn thị thực du lịch cho 27 quốc gia thành viên EU.

Bởi danh sách miễn thị thực hiện chỉ bao gồm 7 nước thành viên của EU là Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan, việc mở rộng danh sách miễn thị thực bao gồm tất cả 27 quốc gia là thành viên sẽ thúc đẩy các cơ hội thương mại và đầu tư, mang lại một lượng lớn khách từ thị trường EU với hơn 500 triệu dân…

Mở rộng đường đón khách EU - Ảnh 1.

Việc mở rộng chính sách miễn thị thực sẽ giúp Việt Nam thu hút khách du lịch nước ngoài nhiều hơn

Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) ủng hộ đề xuất này và cũng từng gửi kiến nghị tới Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Bởi không chỉ cần kéo dài thời gian gia hạn hiệu lực của thị thực điện tử (evisa) lên tới 90 ngày, cho phép xuất nhập cảnh nhiều lần kể từ ngày 15-8, và kéo dài thời hạn tạm trú lên tới 45 ngày cho công dân các nước được Việt Nam miễn thị thực, mà còn cần mở rộng số lượng các thị trường được áp dụng chính sách này. 

Hiện Việt Nam miễn visa cho 24 quốc gia nhưng mới đơn phương miễn visa cho 13 quốc gia. Việc gỡ rào cản cho khách quốc tế bằng visa đối với những thị trường khách có khả năng tăng trưởng nhanh, có nguồn khách lớn, có nhu cầu chi tiêu cao và nghỉ dưỡng dài ngày không chỉ cần mở rộng cho 27 thành viên EU mà cần mở rộng thêm nhiều thị trường khác, sẽ mở ra những cơ hội tuyệt vời cho ngành du lịch.

Nếu đứng ở phương diện của ngành du lịch và người Việt thì sẵn sàng chào đón du khách của tất cả những quốc gia có quan hệ tốt đẹp và những thị trường nguồn khách có tiềm năng, có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Cụ thể là nguồn khách từ Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Thụy Sĩ, Nam Phi, Israel, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ… 

Như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Thụy Sĩ đang là những thị trường có nguồn khách đến Việt Nam du lịch chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, cần tiếp tục đẩy mạnh hoặc những thị trường tiềm năng như Ả Rập Saudi, Kuwait... chưa tới nước ta nhiều nhưng lại đang đổ xô tới Thái Lan, chi trả cao, nên chăng ngành du lịch cũng cần mở rộng để thu hút. Vì so với Thái Lan, tiềm lực của du lịch Việt Nam không thua kém gì và cũng có nhiều đường bay thẳng tới.

Sau câu chuyện visa, trong những nguyên nhân khiến cho du lịch Việt Nam chưa bứt phá dù mở cửa sớm là do chúng ta chưa có nhiều cơ chế đối thoại công - tư để điều chỉnh chính sách thuận lợi và kịp thời, để phát hiện những rào cản kỹ thuật và đề xuất những chính sách ưu đãi hấp dẫn mời gọi khách tới. Ngành du lịch đưa ra một số chỉ tiêu nhưng lại chưa xây dựng kế hoạch cụ thể để đạt được các chỉ tiêu đó. Do đó, cần xây dựng sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu thị trường, cần nghiên cứu, khảo sát xem nhu cầu khách là gì với tính sáng tạo, tính độc đáo, không trùng lắp…

Cần có kế hoạch tổng thể quốc gia phục hồi và phát triển ngành du lịch với lộ trình cụ thể, bài bản và một "nhạc trưởng" điều phối từ câu chuyện xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, phù hợp rồi xúc tiến quảng bá hiệu quả. Giải pháp nào triển khai trong ngắn hạn, dài hạn từ địa phương tới các bộ ngành phù hợp, từ đó đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thật sự.

Thái Phương ghi