Hành tinh song sinh của Trái Đất đang bị “bóc vỏ” tàn khốc
(NLĐO) - Những phát hiện từ tàu vũ trụ BepiColombo của châu Âu - Nhật Bản có thể lý giải cách một hành tinh giống Trái Đất trở thành "hỏa ngục".
Trong chuyến bay ngang qua hành tinh gần Trái Đất nhất, tàu BepiColombo của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) và Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã đem lại một số dữ liệu lạ.
Phân tích của nhóm tác giả dẫn đầu bởi TS Lina Hadid từ Phòng thí nghiệm Vật lý Plasma (LPP) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) dựa trên dữ liệu BepiColombo đã phát hiện ra hành tinh này đang bị tước đoạt lớp khí quyển phía trên.
Điều này khiến carbon và oxy trong tầng trên của bầu khí quyển mỏng manh bị thất thoát ra ngoài vũ trụ.
Các tác giả cho biết đây là lần đầu tiên hiện tượng thất thoát các ion carbon tích điện dương được quán sát ở Sao Kim.
Không giống như Trái đất, Sao Kim không tạo ra từ trường nội tại trong lõi của nó.
Tuy nhiên, một từ trường cảm ứng yếu hình sao chổi được tạo ra xung quanh hành tinh do sự tương tác của các luồng hạt tích điện phát ra từ Mặt Trời - tức gió Mặt Trời - với các hạt tích điện trong bầu khí quyển phía trên của Sao Kim.
Sao Kim sơ khai từng có nhiều điểm tương đồng với Trái Đất, bao gồm một lượng nước lỏng đáng kể.
Thế nhưng, chính quá trình tương tác với gió Mặt Trời này đã lấy đi nước, để lại bầu khí quyển bao gồm chủ yếu là carbon dioxide và một lượng nhỏ ni-tơ cùng vài nguyên tố vi lượng khác.
Vì vậy, việc phát hiện sự thất thoát của các ion carbon và cả oxy có thể giúp các nhà khoa học lần ngược lại con đường, từ đó suy ra cơ chế góp phần khiến một hành tinh nằm trong vùng sự sống, rất giống Trái Đất, lại trở thành một "hỏa ngục"ngột ngạt.
Hiểu biết về các cơ chế có thể hủy hoại một hành tinh đáng lẽ có sự sống cũng giúp các nhà thiên văn có thêm công cụ để sàng lọc các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời, từ đó khoanh vùng các thế giới có sinh vật sống tiềm năng nhất.