SATRA đẩy mạnh chuỗi liên kết hợp tác với An Giang

(NLĐO) - Sáng ngày 11-3 tại TP HCM đã diễn ra lễ sơ kết giữa Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (SATRA) và đại diện lãnh đạo UBND tỉnh An Giang về việc thực hiện các mô hình chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ

Nâng cao giá trị nông sản

Hội nghị được xem là hoạt động tiếp nối chương trình liên kết giữa các đơn vị thành viên của SATRA và An Giang được triển khai từ năm 2012 với 3 đề án: sản xuất và tiêu thụ đa dạng hóa sản phẩm rau màu; tôm càng xanh, cá nước ngọt và gạo đặc sản Jasmine. Trong 3 đề án hợp tác, mặc dù chuỗi liên kết và tiêu thụ tôm càng xanh vẫn chưa được triển khai nhưng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu được thực hiện tại xã Bình Thủy, huyện Châu Phú đã thu được nhiều thành công đáng kể với tổng diện tích gieo trồng 2 năm gần 130 ha. Trong vụ Đông - Xuân 2012-2013,  chi nhánh SATRA Đồng Tháp cũng ký hợp đồng tiêu thụ lúa Jasmine tiêu chuẩn Global GAP với xã Bình Chánh, huyện Châu Phú với giá mua cao hơn giá thị trường 10%. Ngoài ra, tổng công ty cũng hỗ trợ cho nông dân An Giang thử nghiệm 2 mẫu bao bì đựng nông sản loại 10-20 tấn để thí điểm dự trữ lúa; hỗ trợ huyện An Phú thí điểm nhà lưới để sản xuất ứng dụng công nghệ cao… Nhìn chung, qua 2 năm thực hiện, bên cạnh việc ổn định đầu vào cho SATRA trên cơ sở “Liên kết -  Hợp tác -  Bình đẳng -  Cùng có lợi và cùng phát triển”, mô hình hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa tỉnh An Giang với SATRA đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần vào việc nâng thu nhập cũng như tăng niềm tin của người dân đối với doanh nghiệp và vai trò của Nhà nước, đưa nông sản của An Giang đến với thị trường cả nước thông qua hệ thống phân phối bán lẻ của SATRA.

img

Phát biểu tại hội nghị, bà Mai Thị Ánh Tuyết -  Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang - đặc biệt đánh giá cao sự quan tâm và phối hợp tích cực của tổng công ty trong việc hỗ trợ bà con nông dân từ kỹ thuật canh tác, cách bảo quản sản phẩm sau thu hoạch cho đến việc ứng trước tiền cho người dân tham gia làm đất và trang trải chi phí ban đầu. Từ đây bà con nông dân trong tổ hợp tác đã có kinh nghiệm trồng, chăm sóc và thu hoạch lúa theo tiêu chuẩn Global GAP. Cũng theo bà Tuyết, hiệu quả sản xuất của các đề án là rất khả thi và mở ra cơ hội nhân rộng trên địa bàn tỉnh An Giang trong thời gian tới.

Hợp tác cùng có lợi

Cũng trong năm nay, tổng công ty tiếp tục thực hiện nhiều chương trình hợp tác sản xuất với An Giang trên cơ sở hoàn thiện những dự án đã ký kết. Theo đó, trong hội nghị cũng diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) với UBND huyện Châu Phú, Chợ Mới và Tri Tôn về việc tiêu thụ sản phẩm bò thương phẩm; giữa Công ty CP Bao bì Sài Gòn (SAPACO) với huyện Châu Phú và Chợ Mới về việc tài trợ các mô hình mẫu nhà kính, màng phủ nông nghiệp.

img

Theo bà Trần Thị Yến Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, mặc dù là huyện có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên việc tiếp cận thị trường tiêu thụ hiện còn rất nhiều hạn chế, giá cả bấp bênh không ổn định và còn mang tính tự phát. Do đó, việc phối hợp liên kết với các đơn vị thành viên của SATRA như VISSAN, COFIDEC, Chợ Bình Điền, Công ty CP Bao bì Sài Gòn... nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhiều hơn nữa nhu cầu nông sản thực phẩm cho người dân và tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho nông dân trên địa bàn huyện là vấn đề hết sức thiết thực.

img

Bên cạnh bước tiến mới trong chiến lược phát triển tổng công ty giai đoạn 2010-2015 và tầm nhìn 2020, đồng thời hướng tới mục tiêu hoàn thành chương trình Hợp tác giữa TP HCM với 20 tỉnh, thành Đông và Tây Nam Bộ, mô hình liên kết hợp tác giữa SATRA và tỉnh An Giang cũng mở ra cơ hội tìm kiếm và tạo lập các mối quan hệ kinh doanh giữa cá nhân, doanh nghiệp tỉnh An Giang với các đơn vị thành viên của tổng công ty, xây dựng kênh phân phối trực tiếp nhằm giảm chi phí, tăng giá trị hàng hóa và hiệu quả hoạt động; không chỉ cùng thụ hưởng các thành quả hợp tác mà còn đóng góp thêm nhiều chủng loại sản phẩm an toàn đạt chuẩn cho cộng đồng người tiêu dùng TP nói riêng và trên cả nước nói chung.