Khi chương trình truyền hình thực tế... không thực tế!
Hiện nay khán giả không còn mặn mà với các "chương trình truyền hình thực tế", nhất là những chương trình đã kéo dài nhiều mùa
Mới đây, ngày 19-4, chương trình truyền hình thực tế "2 ngày 1 đêm" đã ra thông báo mùa 3 sẽ chính thức quay trở lại vào mùa hè 2024.
Không còn hút khán giả
"2 ngày 1 đêm" là mở đầu cho thị trường game show thực tế tại Việt Nam. Với 50/50 đạt Top Trending YouTube chỉ chưa đến 24 giờ phát sóng với con số hơn 13 tỉ lượt xem trên toàn nền tảng. Trong nửa đầu năm 2024, "2 ngày 1 đêm" còn đạt Top 1 Giải Mai Vàng, 2 lần vào Top 8 đề cử Giải thưởng chương trình truyền hình châu Á trong 2 năm liền.
Tại buổi khởi động, dàn cast (nghệ sĩ tham gia) và ban tổ chức chương trình cũng đã nêu những mong muốn nhằm cải tiến hơn nội dung chương trình. Ban Tổ chức "2 ngày 1 đêm" cho biết mùa 3 hứa hẹn mang đến nhiều điều mới mẻ và hấp dẫn với những yếu tố bất ngờ không thể đoán định.
Điểm chung của các đơn vị sản xuất chương trình truyền hình thực tế hiện nay chính là tận dụng YouTube, các mạng xã hội để đăng những video clip cắt từ các tập phát sóng, hậu trường để thu hút khán giả. Nhà sản xuất "Mẹ siêu nhân" cũng sản xuất series "Làm mẹ vi diệu" (talk show để các bà mẹ nổi tiếng trò chuyện về việc nuôi dạy con, chăm sóc gia đình) để đồng hành, lan tỏa thêm. Vài năm trước, những chương trình có sự tham gia của con cái những người nổi tiếng thường thu hút lượt xem rất lớn. Trong đó, có những chương trình tạo nên hiện tượng như: "Bố ơi mình đi đâu thế?" hay mùa đầu của "Mẹ vắng nhà ba là siêu nhân".
Nhưng qua nhiều mùa, các chương trình truyền hình thực tế cũng rơi vào thoái trào. Thông tin bên lề, "2 ngày 1 đêm" vẫn chưa tìm được nhà tài trợ ưng ý dù đây là một chương trình khá "hot". Hầu hết chương trình truyền hình thực tế hiện nay đều rơi vào tình trạng quay trước, kiếm tài trợ sau. Vì thiếu tiền nên các khung hình có phần kém chất lượng cũng hoàn toàn dễ hiểu.
Vấn đề lớn nhất chính là khán giả không còn mặn mà với các chương trình, nếu trước đây, khán giả rất khó để tiếp cận với cuộc sống thường ngày của các ngôi sao, người nổi tiếng nên cuộc sống của người nổi tiếng khi được đưa lên hình đã mặc nhiên có sức hút. Nhưng hiện nay thông tin về lĩnh vực này đã rất phổ biến. Mỗi người nổi tiếng đều có một kênh thông tin riêng và chính họ cũng "bán" chuyện của mình để thu lợi nhuận từ lượt người xem. Khi đã quá đủ đầy, khán giả không còn thích nữa cũng là điều được đoán trước.
Cuộc cạnh tranh khốc liệt
Khi chương trình "Chị đẹp xứ Trung Quốc" gây bão với khán giả Việt (một phần vì có Chi Pu của Việt Nam tham gia tranh tài với nhiều người đẹp của Trung Quốc), ngay lập tức "Chị đẹp phiên bản Việt" cũng nhanh chóng ra mắt. Chương trình mùa đầu tiên thu hút sự chú ý của khán giả bởi lực lượng nghệ sĩ hùng hậu tham gia chương trình. Tất nhiên, trong số 30 chị đẹp, quá nửa nhân vật đã có sức hút tự thân như Mỹ Linh, Thu Phương, Hồng Nhung, Ninh Dương Lan Ngọc, Trang Pháp…
Thành công của mùa đầu tiên khiến nhà sản xuất tự tin chuẩn bị cho mùa thứ 2. Trong khi mùa 2 đang được chuẩn bị thì một đơn vị sản xuất khác (tạm gọi là công ty đối thủ) chuẩn bị cho ra mắt chương trình "Em xinh". Dù chưa giới thiệu cụ thể nhưng nghe tên chương trình, khán giả cũng phần nào đoán biết được nội dung chương trình. Trước khi "Chị đẹp" hay "Em xinh" ra mắt thì cõi mạng đang lao xao chuyện 2 chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai" và chương trình "Anh trai say hi" của 2 đơn vị sản xuất đối thủ chuẩn bị ra mắt khán giả.
Cả 2 chương trình "Mẹ siêu nhân" và "Mẹ vắng nhà ba là siêu nhân" lên sóng cùng thời điểm, 2 chương trình cùng khai thác đề tài chăm sóc con cái của những người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng; sự đáng yêu của những đứa trẻ; những bài học, kinh nghiệm cho phụ huynh… Người tham gia là "con nhà sao" hoặc đã là những em bé nổi tiếng, thậm chí có bé thu hút hàng triệu người hâm mộ như bé Pam (con của Salim và Hải Long). Vì thế, nhiều người dự đoán sẽ có cuộc cạnh tranh khá khốc liệt giữa các chương trình cùng lên sóng.
Những người trong cuộc cho rằng việc cả 2 chương trình cùng lên sóng, cùng có điểm chung phần nào khiến khán giả mất đi ít nhiều sự hứng khởi.
Khán giả không còn nhận được yếu tố thực tế như tên gọi của chương trình. Thay cho điểm nhấn thực tế (hiểu nôm na là không diễn, không có trong kịch bản) thì nay khán giả nhận về sự "giả trân". Tức nhìn qua khán giả đã biết những người tham gia chương trình đang diễn, làm trò thông qua các cảm xúc bất ngờ, thú vị... với các tình huống. Trong "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng", nhiều "chị đẹp" tỏ ra bất ngờ khi thấy người quen nhưng thực tế phần lớn họ đã biết người tham gia chương trình cùng mình. Trong "Ca sĩ mặt nạ", các cố vấn khách mời hẳn đã biết danh tính một số mascot (mặt nạ) nhưng vẫn giả vờ ngây thơ, đoán lung tung và tung hô mascot...