Băng gạc phủ vết thương chế từ cua biển

(NLĐ) - Ngày 29-6, lãnh đạo Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết trong khuôn khổ Nghị định thư về hợp tác khoa học và công nghệ với Liên bang Nga (2010-2011), hai đơn vị của viện này là Viện Công nghệ Môi trường và Viện Nghiên cứu - Ứng dụng Công nghệ Nha Trang đã nghiên cứu khảo sát, tìm ra các điều kiện thích hợp cho quá trình tách chiết và tinh sạch proteaza từ gan tụy cua biển, đánh giá hoạt tính tổ hợp enzym thu được để tiến tới chế tạo băng gạc điều trị vết thương, mang lại sản phẩm có giá trị công nghệ cao ứng dụng trong y học.

Theo các nhà khoa học của Viện Công nghệ Môi trường, gan tụy của các loài cua biển là một tổ chức kết hợp chức năng gan và túi mật. Bộ phận này thường tiết ra một khối lượng lớn các loại enzym tiêu hóa phổ rất rộng, có khả năng thủy phân protein với hoạt tính cao đặc biệt. Tổ hợp enzym từ gan tụy cua biển có khả năng ứng dụng trong điều trị vết thương tốt nhất, đặc biệt là các vết thương mưng mủ, hoại tử hoặc các vết loét khó lành. Từ gan tụy cua, người ta có thể thu nhận chế phẩm enzym có độ sạch cao.

Gan tụy cua biển là loại nguyên liệu dễ kiếm, rẻ tiền (vì có thể tận dụng nguồn phế thải từ các nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu), không độc.