Con người khó sống được trên Mặt trăng

Trong tương lai, loài người có thể phải di cư lên Mặt trăng khi Trái đất quá đông đúc. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo bụi trên Mặt trăng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, thậm chí cả ung thư, cho những cư dân sống ở đây.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Tennessee (Mỹ) cho rằng bề mặt của Mặt trăng được bao phủ bởi một lớp bụi dày giống như tro núi lửa và chất amiăng trên Trái đất. Những lớp bụi này rất dễ hít phải và có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư khác nhau.
img
Con người khó có thể định cư lâu dài trên Mặt trăng do bụi ở đây có thể ảnh hưởng tới sức khỏe
 
Nhóm nghiên cứu đã dẫn ra trường hợp Neil Armstrong – người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng và các phi hành gia trong sứ mệnh khám phá Mặt trăng Apollo của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA).
 
“Các phi hành gia Apollo cho biết họ gặp vấn đề với da, mắt và đường hô hấp. Những vấn đề này có thể liên quan tới lớp bụi dính vào trang phục của họ trong chuyến thám hiểm trên Mặt trăng”, một thành viên nhóm nghiên cứu cho biết trên Daily Mail.
 
Phi hành gia sống lâu nhất trên Mặt trăng là 2 ngày, chủ yếu ở trong tàu vũ trụ hay trang phục kín hơi. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng các phi hành gia vẫn có thể hít phải bụi Mặt trăng, thậm chí cả khi đeo thiết bị bảo hộ, do bụi Mặt trăng rất nhỏ, dễ dàng xâm nhập.
 
Khi đã hít phải bụi Mặt trăng, lớp bụi này sẽ nằm lại trong phổi và có thể gây ra những vấn đề về sức khỏe, như chứng viêm đường hô hấp, bệnh tim mạch và tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh ung thư khác nhau. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng trực tiếp lên da và mắt.
 
Do vậy, các nhà khoa học cho rằng kế hoạch định cư lâu dài trên Mặt trăng của con người khó trở thành hiện thực vì hô hấp là hoạt động quan trọng nhất của con người. Thậm chí, bụi Mặt trăng có thể làm ảnh hưởng tới các kế hoạch xây dựng căn cứ không gian tại đây trong tương lai.