Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%

(NLĐO)- Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép xây dựng dự thảo nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp vào tháng 5-2023

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 67/NQ-CP về đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng, theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Theo đó, Chính phủ quyết nghị thông qua thông qua đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng như đề nghị của Bộ Tài chính. Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% (còn 8%).

Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%  - Ảnh 1.

Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét giảm thuế giá trị gia tăng vào tháng 5-2023

Tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội theo đúng quy định; chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất.

Đồng thời, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép xây dựng dự thảo nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp vào tháng 5-2023.

Theo Bộ Tài chính, việc áp dụng tiếp chính sách giảm thuế giá trị gia tăng là cần thiết nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi và đóng góp trở lại ngân sách. Dự kiến, nếu áp dụng giảm thuế như đề xuất, ngân sách sẽ giảm thu khoảng 5.800 tỉ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35.000 tỉ đồng.

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế. Đồng thời, quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.