Chống chuyển giá

Sau 4 năm triển khai, Luật Quản lý thuế đã chứng minh được vai trò quan trọng trong việc điều hành chính sách thuế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, luật này bộc lộ một số điểm bất hợp lý cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập, cải thiện chất lượng dịch vụ công và cải cách hành chính.

Tại hội thảo khoa học “Góp ý hoàn thiện luật về quản lý thuế ở Việt Nam” diễn ra cuối tuần trước, trong số các tồn tại, bất cập liên quan đến Luật Quản lý thuế, chống chuyển giá được nhắc đến và thảo luận nhiều nhất.

Ông Nguyễn Trọng Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, cho biết mặc dù ngành thuế đã và đang thực hiện nhiều biện pháp chống chuyển giá nhưng hiện công tác chống chuyển giá, chống việc dàn xếp giá trong các hoạt động kinh tế còn nhiều hạn chế. Thủ đoạn dàn xếp giá ngày càng tinh vi và phát sinh những vấn đề mới. Từ thực tế trên, Cục Thuế TPHCM kiến nghị về lâu dài, cần khảo sát nghiên cứu hiện tượng chuyển giá trên phạm vi cả nước, sớm luật hóa các mặt công tác quản lý Nhà nước liên quan vấn đề này như đưa vào luật, tổ chức bộ máy, biện pháp chế tài…

Nhiều ý kiến cho rằng kinh nghiệm ở các nước khác, vấn đề chuyển giá chủ yếu giải quyết bằng cơ chế thỏa thuận giá trước. Ở các nước, giao cho Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế chịu trách nhiệm ký kết với các doanh nghiệp về thỏa thuận giá trước. Việt Nam có chủ trương giao cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư thực hiện ký kết này có phần chưa hợp lý. Ngoài ra, rất cần có đội ngũ chuyên sâu quản lý chống chuyển giá. Tháng 2-2012, Tổng cục Thuế đã thành lập bộ phận chuyên trách về chống chuyển giá. Tuy nhiên, tại các TP lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM… vẫn chưa có bộ phận chuyên trách riêng về chống chuyển giá mà lồng ghép trong các hoạt động thanh tra. Nên chăng, Tổng cục Thuế chỉ đạo các cục thuế lập bộ phận chuyên trách về chống chuyển giá; có hướng dẫn riêng về quy trình thanh tra, kiểm tra để cán bộ chuyên trách nhận biết các dấu hiệu chuyển giá…