Đánh mất lợi thế

Việt Nam tiếp tục rớt hạng trong báo cáo môi trường kinh doanh 2013 của Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy chỉ tụt một bậc so với năm ngoái, từ vị trí 98 xuống 99 nhưng đây là thứ hạng thấp nhất của Việt Nam kể từ năm 2006 đến nay.

Được ghi nhận là đã thực hiện 18 cải cách về thể chế và pháp lý ở 8 trong tổng số 10 lĩnh vực nhưng điều đó không đủ để giúp Việt Nam trụ hạng. Trong khi Việt Nam đang ì ạch cải cách thì 182 nước khác trong bảng xếp hạng không đứng yên. Chẳng hạn, về thuế, Việt Nam đã có tiến bộ lớn khi đã giảm thời gian làm  thủ tục thuế từ 1.000 giờ/năm xuống còn hơn 870 giờ trong vòng 3 năm, đã tiến hành cho doanh nghiệp (DN) tự in hóa đơn. Nhưng so với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì đây chưa phải là thành tích đáng kể vì DN của họ chỉ mất trung bình 200 giờ nộp thuế mỗi năm.

Trong số 11 lĩnh vực có tác động lớn đến vòng đời của một DN, Việt Nam có đến 5 lĩnh vực bị xếp hạng thấp, gồm: thành lập DN, tiếp cận điện năng, bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế và xử lý DN mất khả năng thanh toán...

Những kết luận WB đưa ra cũng tương đồng với đánh giá của các chuyên gia kinh tế trong nước. Gần 50.000 DN phá sản trong vòng một năm, vốn FDI sụt giảm mạnh nhất Đông Nam Á là “hàn thử biểu” đánh giá sức khỏe nền kinh tế Việt Nam đang xấu đi và kém hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Lợi thế về giá nhân công, giá thuê đất rẻ đã không còn được các nhà đầu tư nước ngoài muốn tận dụng.

Trung tâm Nghiên cứu Chính sách kinh tế - ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) mới đây cảnh báo rằng các cơ quan nghiên cứu đang nhận được nhiều ý kiến quan ngại từ cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài về việc Việt Nam đang mất dần lợi thế trước những đối thủ mới nổi trong khu vực. Khi hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ giữa các nước thì ưu thế về thị trường, lao động... của Việt Nam sẽ mất dần và việc giữ chân nhà đầu tư sẽ trở nên khó khăn, chưa nói đến thu hút đầu tư mới.