Đi vào nhà ở xã hội để “phá băng”

Hai TP lớn Hà Nội và TPHCM cần sớm giải quyết các thủ tục chuyển đổi cơ cấu dự án, đồng thời Ngân hàng Nhà nước cần mở rộng cho vay đối với nhà đầu tư và người mua nhà để ở, nhất là người mua nhà ở xã hội

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội ngày 31-10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết nợ tín dụng liên quan đến bất động sản (BĐS), trong đó liên quan gồm cho vay để kinh doanh BĐS, vay để đầu tư sản xuất và kinh doanh, thế chấp bằng BĐS thì dư nợ tín dụng này khoảng 57% tổng dư nợ, tức là khoảng hơn 1 triệu tỉ đồng. Còn theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31-8, dư nợ tín dụng của BĐS khoảng 203.000 tỉ đồng, trong đó tỉ lệ nợ xấu 6,6%.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, điều lo ngại là nợ xấu của các doanh nghiệp tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến nhiều ngành sản xuất như xây dựng, vật liệu xây dựng, sắt thép, thiết bị điện… và ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Vì thế, việc quyết liệt  tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS là không thể chậm trễ.

Hiện cả nước có 2.399 dự án và khoảng 71.000 ha đất cho BĐS, lượng hàng tồn kho cả nước lên tới 16.469 căn hộ chung cư, hơn 4.000 nhà thấp tầng và hơn 25.800 m2 nhà văn phòng cho thuê. Ngoài vấn nạn tồn kho, thị trường BĐS bộc lộ điểm yếu khi sản phẩm BĐS chủ yếu là hàng cao cấp và hàng trung bình, còn sản phẩm cho người thu nhập thấp lại rất ít.
Nhà diện tích vừa, nhỏ, giá rẻ phù hợp với đại đa số người dân còn thiếu. Để tháo gỡ, ông Dũng đề xuất cho phép các doanh nghiệp kinh doanh được quyền nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán, cho thuê nhà ở. Đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép miễn, giảm thuế GTGT cho các hộ gia đình cá nhân mua nhà xã hội và mua nhà thương mại để ở lần đầu. Doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất.

Theo ông Trịnh Đình Dũng, doanh nghiệp phải cơ cấu lại các dự án đầu tư, gia tăng các loại nhà ở xã hội. Hai TP lớn Hà Nội và TPHCM cần sớm giải quyết các thủ tục chuyển đổi cơ cấu dự án. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước  cần mở rộng tín dụng cho vay đối với nhà đầu tư và người mua nhà để ở, nhất là người mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, các dự án phát triển nhà ở xã hội phải chủ yếu dùng những vật liệu trong nước, không phải vật liệu cao cấp của nước ngoài.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết Chính phủ đang tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng và phát triển đô thị, kinh doanh BĐS để tăng cường sự kiểm soát thống nhất về quy hoạch và theo kế hoạch.