Gỡ khó cho doanh nhân

Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hơn nữa, quyết liệt xóa bỏ nạn nhũng nhiễu, cửa quyền, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển

Loạt bài “Doanh nhân Việt sợ gì?” thu hút hàng trăm ý kiến chia sẻ của bạn đọc cũng như phản hồi từ các cơ quan chức năng, đại diện hiệp hội doanh nghiệp (DN) và giới chuyên gia. Dưới đây là những ý kiến, phản hồi tiêu biểu:

Bà Trần Thị Lệ Nga, Phó Cục trưởng Cục thuế TP HCM:

Thường xuyên nhắc nhở viên chức thuế

Cục Thuế TP HCM với tinh thần cầu thị, sau mỗi kỳ đối thoại trực tiếp với DN, chúng tôi đều tiếp thu, giải quyết nhanh những phản ánh. Mới đây, sau hội nghị đối thoại ngày 8-10, tất cả những ý kiến phản ánh về khó khăn, vướng mắc của DN đều được lãnh đạo Cục Thuế TP HCM chỉ đạo giải quyết đến nơi đến chốn. Cụ thể, với những phản ánh vướng mắc về chính sách, chúng tôi trả lời, giải đáp cụ thể. Với những phản ánh về thực thi công vụ, thái độ làm việc hay những bất cập của cán bộ, viên chức ngành thuế, lãnh đạo Cục Thuế TP HCM đều có văn bản chỉ đạo các chi cục thuế rốt ráo chấn chỉnh. Riêng với phản ánh tiêu cực trong ngành thuế, chúng tôi giao các đơn vị chức năng kiểm tra; nếu đúng thì xử lý nghiêm.

 

img

 

Cục Thuế TP HCM cũng rất trân trọng những ý kiến đóng góp, phản ánh của DN. Với những phản ánh này, chúng tôi đều chỉ đạo rà soát, kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh cán bộ, viên chức trong ngành. Chúng tôi cũng thường xuyên có văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh viên chức ngành thuế tuân thủ quy định ngành, nghiêm túc thực hiện cải cách hành chính thuế, không được gây phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực hay cố tình làm sai chính sách gây thiệt hại cho nhà nước và người nộp thuế hay các trường hợp thỏa thuận ngầm với DN, hộ kinh doanh làm thất thu thuế của nhà nước…

Bà Trương Lý Hoàng Phi, Tổng thư ký Hội doanh nhân trẻ TP HCM:

Giảm bớt đầu tư vào quan hệ

Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập sâu rộng với thế giới. Tôi cho rằng tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... đồng nghĩa với việc chúng ta tham gia vào một thị trường minh bạch và sôi nổi. Tín hiệu tích cực nhất là Chính phủ và cộng đồng DN đều đang cố gắng hướng về một mục tiêu chung, lắng nghe và cùng “bắt tay” để giúp nền kinh tế và cộng đồng DN Việt tận dụng được nhiều cơ hội nhất cũng như mang lại những giá trị thực chất nhất từ lần hội nhập này. Để vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội, doanh nhân trẻ đang hết sức tập trung vào năng lực cốt lõi, gia tăng sự liên kết, hợp tác để đủ sức cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn ngay trên sân nhà. Tất nhiên, doanh nhân trẻ cũng đang cố gắng tận dụng sức mạnh của công nghệ, tính linh hoạt, khả năng học hỏi trong một môi trường kinh doanh cởi mở để tìm ra nhiều giải pháp “gia cố” lợi thế cạnh tranh của DN.

 

img

 

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đã nhiều lần kêu gọi DN đầu tư vào giá trị cốt lõi, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm bớt đầu tư vào quan hệ. Đây là nền tảng để giới doanh nhân Việt bước vào một “sân chơi” mới rộng hơn, áp lực cạnh tranh lớn hơn. Sự sòng phẳng, minh bạch cũng đòi hỏi nhiều hơn ở “sân chơi” này và do vậy, việc giúp doanh nhân giảm bớt lo toan vì những thứ “từ trên trời rơi xuống” để củng cố nội lực là rất cần thiết.

Chuyên gia kinh tế Lê Đạt Chí:

Doanh nhân quá thiếu thông tin về hội nhập

Chính phủ đã thấy những rào cản về thủ tục hành chính gây khó khăn cho DN, đồng thời yêu cầu các bộ ngành thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn khi Việt Nam đang đàm phán hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA). Tuy nhiên, tôi nghĩ DN cần nhất lúc này là thông tin. Họ quá thiếu thông tin về hội nhập, thông tin về đối tác, khách hàng ở nước ngoài và cả thị trường xuất khẩu. TPP vừa đàm phán thành công, hàng loạt FTA Việt Nam vừa ký kết nhưng có bao nhiêu DN vừa và nhỏ hiểu rõ nội dung để tận dụng cơ hội. Hay như một DN xuất khẩu ra nước ngoài nhưng thị trường đó có biến động về chính sách tỉ giá, nay đang thuận lợi do đơn hàng dồi dào nhưng ngày mai có thể không còn...

 

img

 

Hội nhập ngày càng sâu, rộng nhưng thông tin cho DN về những nguy cơ, tác động trên cả “sân nhà” và “sân” của đối thủ đều rất thiếu... Ở các nước, những tập đoàn lớn sẵn sàng thuê cả cơ quan nghiên cứu làm nhiệm vụ phân tích, tìm kiếm và cung cấp thông tin thị trường, ngành, đối thủ kinh doanh. Do đó, muốn kinh doanh trong xu hướng cạnh tranh gay gắt này, DN cần nâng cao năng lực tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin. Các bộ ngành, tổ chức, hiệp hội doanh nhân cũng phải chú trọng hỗ trợ thông tin cho DN.

Ông Phạm Thanh Bình, Chuyên gia tư vấn Dự án USAID GIG:

Phải bỏ bớt thủ tục không cần thiết

Những khảo sát gần đây của Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID GIG) cho thấy có sự cải thiện rất đáng kể trong lĩnh vực thủ tục thuế, hải quan, tuy nhiên, DN kỳ vọng sự thay đổi nhiều hơn. Cụ thể, có khoảng 94% DN hài lòng với những quy định hiện nay của hải quan, như thủ tục thông quan thông thoáng hơn, hệ thống pháp luật đầy đủ và tiếp cận dễ dàng…

 

img

 

Theo tôi, một trong những vấn đề mà giới doanh nhân lo ngại nhất là thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu quá nhiêu khê, quá nhiều bộ ban ngành tham gia. Điều này không chỉ gây khó khăn về thủ tục mà còn tốn kém chi phí, thời gian cho DN. Do vậy, cần phải bỏ bớt những khâu không cần thiết, tạo thuận lợi cho DN. Chỉ riêng khâu kiểm tra chuyên ngành, bỏ tiền kiểm chuyển sang hậu kiểm đối với các mặt hàng như chất lượng máy móc… có thể rút ngắn thời gian thông quan 5-7 ngày. Ngay phương pháp quản lý, lô hàng nào của DN nhập khẩu về cảng cũng kiểm tra chuyên ngành là không hợp lý, trong khi ở nước ngoài họ vẫn kiểm soát được chất lượng như quản lý theo phương pháp rủi ro.

Giải pháp đã có rất nhiều, quan trọng là quá trình thực thi và sự nhận thức của các ban ngành về vấn đề này.