Thị trường thuốc gây mê

Kẻ cướp có thể dễ dàng mua thuốc gây mê tại các chợ bán sỉ tân dược. Một viên ''thần dược'' giá 10.000 đồng có thể trở thành phương tiện cướp tài sản người khác trị giá gần 100 triệu đồng.

Hàng “chìm”, hàng “độc” và “quân Ba Lan”

Trong các địa chỉ cung cấp “thần dược" gây mê phải kể đến ba chợ đầu mối tại TPHCM gồm: chợ sỉ lẻ dược Phú Thọ (quận 11), Trung tâm Thương mại quận 10 và chợ thuốc tây Tân Định (quận 1).

Rảo quanh một vòng các chợ này, chúng tôi không thấy loại thuốc gây mê, an thần, gây nghiện bày bán công khai tại đây. Hỏi thẳng các quầy bán hàng đều được trả lời không kinh doanh mặt hàng biệt dược này (dân chợ thuốc thường gọi hàng ''độc''). Nhưng thực tế thì sao? Một dược sĩ cho biết nhiều quầy hàng ở chợ dược chủ yếu kinh doanh hàng ''chìm'', tức là thuốc tây trôi nổi, nhập lậu, trong đó có cả hàng “độc”.

Mua bán các loại hàng "chìm", hàng "độc" công khai và nhiều nhất ở các chợ là nhóm người mua bán dược phẩm lưu động theo kiểu chợ trời. Dân buôn lưu động không đứng chân tại quầy nào nhưng có mối quan hệ chặt chẽ với các nguồn cung ứng thuốc. Họ thường xuyên di chuyển điểm giao dịch và hoạt động mua bán hết sức phức tạp, dân chợ thuốc gọi họ là ''quân Ba Lan''. Lính ''Ba Lan'' mỗi sáng tụ tập quanh cổng chính khu Trung tâm Thương mại quận 10, rảo xe quanh chợ bắt mối buôn bán. Mọi giao dịch diễn ra âm thầm, nhanh gọn, người ngoài nhìn vào không thể biết.

Một số tên tuổi nằm trong danh sách “sĩ quan chỉ huy'' quân ''Ba Lan" được dân chợ thuốc quận 10, Phú Thọ nhắc đến với thái độ kiêng dè như bà X. ''Bình'', bà Ch. ''Spacy”, D. "xưa'', H., Ng... Các chủ quầy cũng sợ quân ''Ba Lan'' bởi họ có thể thao túng giá cả, dìm hàng, gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ. Ngoài ra, đội quân này còn được sự bảo kê của S. “tân dược". S. có chút uy tín giang hồ nhờ trước đây dựa dẫm uy thế đàn anh Lâm chín ngón (thời điểm 1990-1995, Lâm chín ngón từng mua bán thuốc tây tại chợ dược quận 10). Sau khi đàn anh ẩn dật, S. ngoi lên thế độc tôn giành quyền bảo kê khu chợ thuốc.

Người bán không cần biết!

''Làm ăn được'', đó là câu trả lời của P., tay chuyên chạy làng của quân “Ba Lan" khi được hỏi về khoản tiền kiếm được tại chợ. Qua người quen giới thiệu, biết chúng tôi cần tìm  mua loại thuốc gây mê, P. vặn vẹo: "Loại mê nhanh hay mê sâu, các anh cần để phê hay để hại đời mấy em?''. Một số loại thuốc chúng tôi nêu tên được P. hẹn sẽ tìm sau, P. đưa chúng tôi một vỉ Seduxen (10 viên), một vỉ Diazepam màu xanh (20 viên), lấy giá hữu nghị 100.000 đồng. Loại thuốc này chỉ cần một đến hai viên tán nhuyễn thành bột pha vào nước là có thể làm cho người uống mê man cả giờ. Người bán không cần biết người mua về sử dụng ra sao, hễ khách quen hoặc thấy đúng ám hiệu là mời chào mua hàng ''chìm'', hàng ''độc”.

Thông qua quân ''Ba Lan'', người có nhu cầu không mấy khó khăn khi tìm mua thuốc gây mê, gây nghiện đủ loại nhập lậu từ Thái Lan, Campuchia và các nguồn không chính thức trong nước. Thuốc được người bán xé bỏ nhãn hiệu, bao bì trước khi trao tay; nếu khách mua số lượng lớn phải đặt tiền trước và điểm giao hàng phải nằm ngoài khu vực chợ.

Qua chuyên án phòng chống tội phạm hình sự trên các tuyến giao thông đang được Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) triển khai, một số băng cướp gây mê bị bắt giữ. Thủ đoạn của kẻ cướp thường sử dụng thuốc gây ngủ dạng lỏng tiêm vào thức ăn, thức uống. Loại thuốc ngủ có tác dụng an thần nhưng nếu dùng liều cao hoặc pha vào bia, rượu sẽ gây ngộ độc, nguy hiểm tính mạng nạn nhân.