Vì sao mô hình trồng sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô 1,2 tỉ đồng bị dừng?

(NLĐO) – 3 năm tổ chức mua cây giống sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô nhưng không được, tỉnh Quảng Nam phải dừng thực hiện mô hình có dự toán hơn 1,2 tỉ đồng.

Ngày 14-7, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh vừa có công văn về việc dừng thực hiện mô hình trồng cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô trên địa bàn huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam).

Trước đó, ngày 26-6, ông Trần Út, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam ký tờ trình đề nghị UBND tỉnh thống nhất dừng thực hiện mô hình trên.

Vì sao mô hình trồng sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô 1,2 tỉ đồng bị dừng? - Ảnh 1.

Sâm Ngọc Linh được người dân trồng trên dãy núi Ngọc Linh

Theo tờ trình, mô hình trồng cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô trên địa bàn huyện Nam Trà My được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt điều chỉnh vào ngày 26-5-2022. Quy mô bố trí 1 mô hình có diện tích 0,06 ha với 1.100 cây. Trong đó, 1.000 cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô và 100 cây sâm Ngọc Linh nhân giống bằng hạt để đối chứng.

Tuy nhiên, trong các năm 2021, 2022, 2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Nam triển khai các thủ tục liên quan để mua cây giống sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô để thực hiện mô hình nhưng không có nhà cung cấp đảm bảo các điều kiện theo quy định.

Gần nhất, trong năm 2023, để có báo giá làm cơ sở trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Chi cục đã tổ chức 3 lần đăng báo và thuê 2 đơn vị thẩm định giá để thực hiện gói thầu Mua cây giống Sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô (từ 1 năm tuổi trở lên) nhưng không có cá nhân, tổ chức nào chào giá.

Vì nguyên nhân trên, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết không đủ điều kiện cần thiết để tiếp tục thực hiện các nội dung công việc đã được phê duyệt.

Năm 2021, UBND tỉnh Quảng Nam dự kiến chi 3 tỉ đồng để thực hiện mô hình trồng cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô trên địa bàn huyện Nam Trà My. Ngày 26-5-2022, UBND tỉnh Quảng Nam điều chỉnh phương án xây dựng mô hình, tổng kinh phí để thực hiện theo dự toán là 1,28 tỉ đồng.

Sâm Ngọc Linh là loại dược liệu rất quý, được trồng trên đỉnh Ngọc Linh thuộc 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, chất lượng được đánh giá sánh ngang và hơn sâm Triều Tiên, sâm Mỹ. Hiện nay trên thị trường mỗi cân sâm Ngọc Linh có giá khoảng 170 triệu đồng trở lên, tùy vào độ tuổi của cây. Giá trị kinh tế cao nên đa phần những người giàu có mới có thể dùng loại dược liệu này. Hiện nay, giống cây sâm khá khiêm tốn, chưa đáp ứng nhu cầu của người trồng sâm. Việc thử nghiệm trồng sâm Ngọc Linh từ cây giống nuôi cấy mô được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội để ai cũng có thể sử dụng các sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh. Dù vậy, mô hình này đã thất bại đáng tiếc.