Loạn mổ mắt kỹ thuật cao (*): Gỡ thông tin, rút quảng cáo!
Theo quy định của Bộ Y tế, các kỹ thuật Phaco, Laser, Lasik... phải mổ tại các bệnh viện tuyến 1, tuyến 2 nhưng các phòng khám khẳng định được Sở Y tế TP HCM cấp phép
Sau khi Báo Người Lao Động đăng loạt bài "Loạn mổ mắt kỹ thuật cao", nhiều thông tin quảng cáo của các phòng khám, mổ mắt kỹ thuật cao trên website của các "trung tâm mắt" đã... biến mất.
Không bị nhắc nhở, xử phạt
Theo ghi nhận của phóng viên ngày 12-1, Trung tâm Mắt quốc tế Phương Đông (71 Ngô Thời Nhiệm, quận 3, TP HCM) vẫn mở cửa đón khách. Tuy nhiên, các thông tin về phòng khám như nhân sự, các kỹ thuật, phẫu thuật Lasik, Laser, Phaco... tại website matphuongdong.com đã không còn xuất hiện. Tương tự, các thông tin về phẫu thuật kỹ thuật cao trước đó đăng tải tại website hikari.com cũng không còn thấy.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hằng năm, Thanh tra Sở Y tế TP HCM đều thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất hoạt động khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố và việc này cũng vừa triển khai tại một số "trung tâm mắt". Nhưng gần như không có "trung tâm mắt" nào bị nhắc nhở, xử phạt về việc phẫu thuật kỹ thuật cao.
Điển hình như cách đây 1 tháng, Trung tâm Mắt Sài Gòn H. (quận 7) bị phạt 45 triệu đồng vì hành vi vi phạm quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo. Ngoài tiền phạt, trung tâm này còn bị buộc tháo gỡ, xóa những nội dung quảng cáo chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận trước khi thực hiện.
Trước tình trạng các phòng khám nhãn khoa thực hiện những kỹ thuật Lasik, Laser, Phaco… chưa đúng quy định cho phép mà không bị phát hiện, dư luận đặt vấn đề: Vậy lý do là gì? Do trình độ của thanh tra sở yếu hay vì lý do khác? Lo ngại hơn là việc các phòng khám phẫu thuật kỹ thuật cao chui thì máy móc, cơ sở trang thiết bị không ai thẩm định, kiểm định nhưng lại phẫu thuật cho bệnh nhân.
Chỉ tuyến 1, tuyến 2 mới được làm
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, khẳng định phẫu thuật Phaco, Lasik là các kỹ thuật cao thuộc danh mục kỹ thuật của bệnh viện tuyến 1, tuyến 2; trong khi các phòng khám chỉ tương đương bệnh viện tuyến 3, tuyến 4.
Thông tư 43/2013/TT-BYT và Thông tư 21/2017/TT-BYT quy định phân tuyến các bệnh viện cụ thể như sau: Các tuyến chuyên môn kỹ thuật, tuyến trung ương (sau đây gọi là tuyến 1) bao gồm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Bệnh viện hạng đặc biệt; bệnh viện hạng I trực thuộc Bộ Y tế; bệnh viện hạng I trực thuộc sở y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc thuộc các bộ, ngành khác được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật. Tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là tuyến 2) bao gồm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Bệnh viện xếp hạng II trở xuống trực thuộc Bộ Y tế; bệnh viện hạng I, hạng II trực thuộc sở y tế hoặc thuộc các bộ, ngành khác, trừ các bệnh viện được quy định tại điểm c khoản 1 (trong Thông tư 43/2013/TT-BYT). Tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi là tuyến 3) bao gồm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Bệnh viện hạng III, hạng IV, bệnh viện chưa xếp hạng, trung tâm y tế huyện có chức năng khám bệnh, chữa bệnh ở những địa phương chưa có bệnh viện huyện, bệnh xá công an tỉnh; phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, nhà hộ sinh. Tuyến xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là tuyến 4) bao gồm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Trạm y tế xã, phường, thị trấn; trạm xá, trạm y tế của cơ quan, đơn vị, tổ chức; phòng khám bác sĩ gia đình.
Phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân: Căn cứ năng lực thực hiện kỹ thuật, phạm vi hoạt động chuyên môn, hình thức tổ chức, quy mô hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Y tế hoặc Sở Y tế) cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân quyết định (bằng văn bản) tuyến chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân phù hợp với quy định của thông tư này.
Bên cạnh đó, theo bảng danh mục phân tuyến kỹ thuật tại các thông tư trên thể hiện rõ, các phẫu thuật Phaco, Laser, Lasik… thuộc danh mục kỹ thuật dành cho các bệnh viện tuyến 1, tuyến 2, không ghi nhận bệnh viện tuyến 3, tuyến 4 (tương đương phòng khám tư nhân) được cấp phép thực hiện các kỹ thuật này.
Cơ quan quản lý nói gì?
Trước khi loạt bài này khởi đăng, để làm rõ hoạt động của các phòng khám, "trung tâm mắt" nêu trên có đúng với quy định hay không, Sở Y tế TP HCM cấp phép như thế nào, việc quảng cáo và thực hiện các kỹ thuật vượt tuyến của các "trung tâm mắt" sẽ xử lý ra sao, Báo Người Lao Động đã gửi nội dung liên quan hoạt động của các "trung tâm mắt" đến Sở Y tế TP HCM và sau hơn 2 tuần nhận được văn bản trả lời. Theo đó, Sở Y tế cho biết sở cấp giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật đối với các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền của sở theo quy định của pháp luật. Trong đó, việc phê duyệt danh mục kỹ thuật được thực hiện theo quy định tại Thông tư 43/2013/TT-BYT và Thông tư 21/2017/TT-BYT.
Sở Y tế TP HCM cũng đã ra mắt ứng dụng "Quản lý danh mục kỹ thuật" tại địa chỉ https://thongtin.medinet.org.vn để giúp người dân có thể dễ dàng tra cứu thông tin về danh mục kỹ thuật và giấy phép hoạt động của tất cả cơ sở khám chữa bệnh, từ đó có thể lựa chọn và giám sát được chính xác các cơ sở khi khám chữa bệnh. Theo yêu cầu của Bộ Y tế và Sở Y tế, tất cả cơ sở khám chữa bệnh phải công khai danh mục kỹ thuật được duyệt trên website của cơ sở.
Hằng năm, Sở Y tế TP HCM liên tục tiến hành các đợt thanh tra, kiểm tra, đánh giá chất lượng các cơ sở y tế để phát hiện và xử phạt các hành vi vi phạm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (nếu có). Các quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng được công khai trên cổng thông tin điện tử Sở Y tế để người dân được biết và cùng giám sát.
Sở Y tế TP HCM hoan nghênh các cơ quan báo chí thực hiện và đăng tải các bài viết, phóng sự điều tra… chỉ ra các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; đóng góp vào sự phát triển lành mạnh của ngành y tế thành phố. Nếu có bất kỳ bằng chứng nào (tài liệu, hình ảnh, video clip…) về các cơ sở vi phạm, rất mong quý báo cung cấp thêm cho Sở Y tế TP HCM để sở xem xét, củng cố hồ sơ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Khắt khe hay dễ dãi?
Theo nhiều chuyên gia, bác sĩ lĩnh vực mắt, mổ mắt bằng Laser, Lasik, Phaco... là những kỹ thuật cao, đòi hỏi những điều kiện khắt khe. Sẽ là đáng lo nếu các "trung tâm mắt" không được thẩm định kỹ về cơ sở vật chất, trang thiết bị không được kiểm định, kiểm tra thường xuyên, chưa kể nguồn gốc xuất xứ các kính nội nhãn có bảo đảm. Có những bác sĩ của cơ sở mỗi ngày phẫu thuật hàng chục ca, thậm chí cả trăm ca thì thật là đáng ngại.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-1