Báo chí bảo vệ quyền lợi nhân dân

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng quan tâm đến báo chí, truyền thông; xem đây là phương tiện chuyển tải quan trọng trong việc triển khai chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng đến mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Hiện nay, lợi dụng sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, các thế lực thù địch đã sử dụng một số kênh thông tin tuyên truyền trên mạng xã hội để chống phá Đảng ta, chống phá thành quả cách mạng Việt Nam, tuyên truyền những quan điểm sai trái, thù địch... nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Báo chí bảo vệ quyền lợi nhân dân - Ảnh 1.

Các nhà báo trong một lần tác nghiệp trên một đài quan sát ở quần đảo Trường Sa Ảnh: LƯƠNG DUY CƯỜNG

Vì vậy, Đảng giao báo chí, truyền thông thực hiện nhiệm vụ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thực chất là bảo vệ Đảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với nền tảng tư tưởng của Đảng, của giai cấp công nhân Việt Nam.

Điều này thể hiện rõ quan điểm của Đảng ta: Đảng lãnh đạo báo chí, truyền thông. Song, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, bao gồm quyền tự do hoạt động nghề nghiệp của người làm báo, truyền thông; quyền tự do tiếp cận và nhận thông tin; quyền tự do cá nhân và tổ chức được bảo vệ trước báo chí và truyền thông.

Báo chí bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, đấu tranh vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân. Quan điểm đó được nêu rõ trong Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013) về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; tuân thủ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội".