Mang hàng tỉ USD về từ nông-lâm-thủy sản
Ngay đầu năm, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đã khởi sắc với mức tăng trưởng lên đến 50%, hướng đến mục tiêu 54 - 55 tỉ USD trong năm 2024
Theo chỉ tiêu được công bố vào đầu năm 2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), mục tiêu xuất khẩu của ngành năm nay là 54 - 55 tỉ USD. Ngay 2 tháng đầu năm, kết quả xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đã rất tích cực với giá trị đạt 9,84 tỉ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhiều nông sản lên ngôi
Ông Phùng Văn Sâm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hanfimex Việt Nam (TP Hà Nội) - chuyên xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thông tin bước vào năm 2024, tình hình thị trường thuận lợi. Trong đó, cà phê và hạt tiêu tăng giá rất mạnh khi kinh tế thế giới hồi phục, du lịch tăng trưởng, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, khiến nhu cầu tăng lên trong khi nguồn cung lại sụt giảm. Riêng hạt điều, sản lượng xuất khẩu tăng nhưng giá lại ở mức thấp nhất trong 10 năm qua do nguồn cung tăng mạnh.
"So với cùng kỳ năm ngoái, đầu năm 2024, giá hồ tiêu đã tăng khoảng 30% và có thể tăng đến 50%; giá cà phê đã tăng 50% và còn tiếp tục tăng nữa. Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu và cà phê Robusta số 1 thế giới nên khi Việt Nam bị mất sản lượng thì giá sẽ tăng" - ông Sâm dự báo. Sự sụt giảm sản lượng của Việt Nam là do diện tích giảm vì bị cạnh tranh bởi cây trồng khác, đặc biệt là sầu riêng và thời tiết bất lợi.
Với ngành rau quả, 2 tháng đầu năm, các doanh nghiệp (DN) cũng tất bật với những đơn hàng xuất khẩu. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho hay thị trường lớn nhất của ngành là Trung Quốc. Hai tháng đầu năm rơi vào thời điểm Tết Nguyên đán, nhu cầu tăng mạnh nên theo thông lệ hằng năm, đều có giá trị xuất khẩu cao. Năm 2024 có thêm yếu tố mới là mặt hàng sầu riêng, với năm thứ 2 xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, có sản lượng tăng khi nông dân đầu tư sản xuất trái vụ để có hàng vào thời gian này nhiều hơn. Một yếu tố khác là do cuộc khủng hoảng trên biển Đỏ khiến trái cây từ Nam Mỹ, châu Âu… vận chuyển đến Trung Quốc trễ không kịp bán Tết. Vì thế, thương nhân Trung Quốc phải đặt thêm hàng từ các thị trường gần, trong đó có Việt Nam - chỉ 2 ngày đã có hàng.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản tháng 1-2024 đột phá mạnh mẽ khi nhu cầu mua hàng phục vụ Tết Nguyên đán ở nhiều thị trường gia tăng, nhất là Trung Quốc và các nước châu Á. VASEP cho biết thông thường nhu cầu sẽ chững lại sau tháng Tết nhưng sang tháng 2, nhu cầu thủy sản ở các nước phương Tây và nhiều thị trường quay lại nên xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng trưởng 2 con số.
Còn nhiều việc phải làm
Lạc quan nhưng Bộ NN-PTNT cũng nhìn nhận công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, nhất là khâu bảo quản và chế biến sâu, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển mạnh.
Bối cảnh chung kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, các cuộc xung đột quân sự gia tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt (Nga - Ukraine, Israel - Hamas, biển Đỏ)... nên trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT tiếp tục xử lý các vấn đề về thị trường phát sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu. "Tận dụng các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông - lâm - thủy sản chủ lực; hỗ trợ DN ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài" - Bộ NN-PTNT nêu giải pháp.
Đối với ngành thủy sản, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP, nhận định những con số tăng trưởng cao đầu năm 2024 mang lại tin tưởng và hy vọng vào sự hồi phục mạnh mẽ của ngành trong năm nay. "Với sự đồng hành hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ngành, tôi tin rằng năm 2024, xuất khẩu thủy sản sẽ cao hơn năm 2023 (9 tỉ USD) để đạt mốc 9,5 tỉ USD" - Chủ tịch VASEP dự báo.
Ông Đặng Phúc Nguyên dự báo năm 2024, xuất khẩu rau quả sẽ lập kỷ lục mới, vượt 6 tỉ USD, nhờ nhu cầu từ thị trường Trung Quốc vẫn tiếp tục cao và Việt Nam có lợi thế vị trí địa lý gần. Ngoài ra, mặt hàng "tỉ đô" là sầu riêng vẫn còn dư địa bùng nổ khi có thêm sản lượng từ những vùng trồng mới được cấp mã số và có thể thêm mặt hàng sầu riêng đông lạnh. Bên cạnh đó, rau quả chế biến vẫn tăng trưởng đều ở mức 20%/năm nên cũng đóng góp tích cực cho ngành rau quả.
"Tuy năm nay yếu tố thuận lợi nhiều nhưng toàn ngành không được "ngủ quên trên chiến thắng" mà buông lỏng yếu tố chất lượng, thương hiệu. Mới đây, Thái Lan đã công bố lịch thu hoạch sầu riêng đối với từng giống để chống việc hái trái non. Việt Nam cũng cần chủ động kiểm soát chất lượng để giữ thị trường" - ông Nguyên khuyến cáo.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam, nhận xét các số liệu thống kê về xuất khẩu 2 tháng đầu năm rất tích cực nhưng không vì thế mà lạc quan thái quá vì thị trường nông sản biến động khó lường. "Như ngành gạo, giá tăng chủ yếu do nguồn cung bị hụt khi Ấn Độ tiếp tục duy trì cấm xuất khẩu gạo. Mức giá hiện tại khoảng 600 - 700 USD/tấn dù là cao kỷ lục nhưng lợi nhuận của nông dân so với các ngành nghề khác vẫn thấp. Cần tiếp tục đầu tư cho chế biến để nâng cao chất lượng và dinh dưỡng hạt gạo để có giá trị gia tăng cao hơn nữa" - GS Bửu nói.