Mức trần phí môi giới người lao động phải trả khi đi làm việc ở nước ngoài từ tháng 5-2024
(NLĐO)- Mức trần giá dịch vụ không được vượt quá 0,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động cho mỗi 12 tháng làm việc
Theo phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 02/2024/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, kể từ 15-5-2024, mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc được quy định cụ thể như sau:
Thị trường Nhật Bản:
- Đối với thực tập sinh kỹ năng số 3 (trường hợp không thay đổi doanh nghiệp dịch vụ và tổ chức quản lý) và lao động kỹ năng đặc định (trường hợp hoàn thành chương trình thực tập kỹ năng số 2 hoặc thực tập kỳ năng số 3) không thu phí dịch vụ
- Lao động kỹ thuật cao, lao động xây dụng đóng tàu theo chế độ hoạt động đặc định mức thu là 0,7 tháng tiền lương mỗi 12 tháng hợp đồng và tối đa không quá 02 tháng tiền lương hợp đồng tử 36 tháng trở lên.
Thị trường Đài Loan (Trung Quốc):
- Đối với ngành nghề hộ lý và y tá tại bệnh viện, trung tâm dưỡng lão: mức thu là 0,7 tháng tiền lương mỗi 12 tháng hợp đồng và tối đa không quá 02 tháng tiền lương hợp đồng từ 36 tháng trở lên.
- Chăm sóc người bệnh tại gia đình (khán hộ công gia đình), giúp việc gia đình, nông nghiệp, thuyền viên tàu cá gần bở: mức thu là 0,4 tháng tiền lương/mỗi 12 tháng hợp đồng và tối đa không quá 01 tháng tiền lương hợp đồng từ 36 tháng trở lên.
Thị trường Hàn Quốc:
- Thuyền viên tàu cá gần bờ có mức thu 0,7 tháng tiền lương mỗi 12 tháng hợp đồng và tối đa không quá 02 tháng tiền lương/hợp đồng từ 36 tháng trở lên
Đối với lao động giúp việc gia đình tại các nước Đông Nam Á, Tây Á và lao động nông nghiệp tại Úc thuộc diện không thu phí.
Cũng theo quy định tại Thông tư này mức trần giá dịch vụ theo hợp đồng môi giới theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ với tổ chức, cá nhân trung gian nhưng không được vượt quá 0,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động cho mỗi 12 tháng làm việc. Trường hợp hợp đồng lao động có thời hạn làm việc từ 36 tháng trở lên thì mức trần giá dịch vụ theo hợp đồng môi giới không quá 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động.
Theo Luật người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tiền dịch vụ là khoản thu của doanh nghiệp dịch vụ nhận được từ bên nước ngoài tiếp nhận lao động và người lao động để bù đắp chi phí, tìm kiếm, phát triển thị trường, đàm phán, ký kết hợp đồng cung ứng lao động, quản lý người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật này.
Tiền dịch vụ mà doanh nghiệp dịch vụ thu từ người lao động phải bảo đảm các nguyên tắc: Theo thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ; Không vượt quá mức trần quy định; Chỉ được thu sau khi hợp đồng cung ứng lao động đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chấp thuận và hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã được ký kết; Trong trường hợp bên nước ngoài tiếp nhận lao động đã trả tiền dịch vụ thì chỉ được thu từ người lao động số tiền còn thiếu so với mức tiền dịch vụ đã thỏa thuận.
Trường hợp doanh nghiệp dịch vụ đã thu tiền dịch vụ từ người lao động cho toàn bộ thời gian làm việc thỏa thuận trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mà người lao động phải về nước trước thời hạn và không do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp dịch vụ phải hoàn trả cho người lao động số tiền dịch vụ và tiền lãi theo tỷ lệ tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Tiền lãi được tính theo lãi suất đối với tiền gửi không kỳ hạn bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng do các bên thỏa thuận tại thời điểm doanh nghiệp hoàn trả cho người lao động.