Không chấp nhận “đa nguyên Công đoàn”

(NLĐ) - Đây là ý kiến chung của các đại biểu tại hội nghị đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức tại TPHCM trong hai ngày 15 và 16-6.

Theo các đại biểu, việc cho phép thành lập “đại diện tập thể lao động” (chương XIII) ở những doanh nghiệp (DN) chưa có tổ chức CĐ là đi ngược lại hiến pháp và vi phạm nghiêm trọng Luật CĐ. Nghiêm trọng hơn, lợi dụng kẽ hở này, nhiều DN sẽ không tạo điều kiện thành lập CĐ theo quy định pháp luật mà chỉ lập ban “đại diện tập thể lao động”.
Chưa hết, việc dự thảo quy định sự hiện diện của một tổ chức không phải là CĐ nhưng lại làm thay chức năng của CĐ là tiền lệ hết sức nguy hiểm, nếu không nói cổ xúy và thừa nhận “đa nguyên CĐ”. Bên cạnh góp ý đề nghị bỏ hẳn khái niệm “đại diện tập thể lao động” trong dự thảo, nhiều đại biểu đề xuất: Trường hợp DN xảy ra tranh chấp chưa có tổ chức CĐ thì cấp trên sẽ đại diện cho quyền lợi của tập thể lao động.

Liên quan đến các quy định về đình công và giải quyết đình công trong dự thảo, nhiều đại biểu cho rằng đây là bước lùi của ban soạn thảo, bởi phần lớn các vụ đình công vừa qua là đình công về quyền chứ không phải đình công về lợi ích. Nếu không được điều chỉnh kịp thời thì đình công tiếp tục diễn ra không tuân theo quy định của pháp luật.