Những điều khó nói

Hôm qua, khi thấy con đỏ mặt, nhìn trừng trừng vào tấm bảng “Gia đình văn hóa”, mẹ rất lo. Mẹ bảo con mang tấm bảng treo lên, con cũng không nghe.

Rồi bất ngờ, con chộp lấy tấm bảng, đập mạnh xuống sàn nhà. Tấm bảng vỡ tan tành. Khi những mảnh vỡ vẫn còn ngổn ngang dưới sàn nhà thì ba về tới. Mặt ba tái đi: “Con làm cái gì vậy?”. Con lầm lì nhìn ba, không trả lời. “Ba hỏi con, tại sao con lại đập bể tấm bảng? Con có biết đó là sự ghi nhận cả một quá trình phấn đấu của gia đình mình...”.
Nghe vậy, con đá mạnh chân vào đống mảnh vỡ. Con không mang giày dép gì cả nên một mảnh vỡ sắc nhọn đã đâm vào chân con. Mẹ có cảm giác trái tim mình cũng ứa máu. Con đã gạt tay mẹ ra khi mẹ định gỡ mảnh dăm cho con và quát: “Không cần”. Cái gạt tay không mạnh nhưng vẫn làm mẹ chới với và đau lòng. Nó như một sự phủ nhận, một sự chối từ.

Con của mẹ,

Người lớn cũng có những điều khó nói hoặc không thể nói. Giữa ba và mẹ, tình cảm đã không còn như xưa. Ba đã có người phụ nữ khác. Nhưng vì các con, ba mẹ cố gắng chịu đựng. Mẹ muốn che giấu những rạn vỡ. Mẹ không muốn hàng xóm, láng giềng chê cười. Thế nhưng, điều đó dường như ngược lại với những điều mẹ đã dạy con: Phải sống trung thực, sống thật với chính mình.

Mẹ không biết phải làm gì để không làm  tổn thương một đứa trẻ? Có lẽ, nên làm như con nói: “Đừng che đậy gì cả. Hãy cứ để cho mọi người biết chúng ta sống như thế nào. Con đủ sức chịu đựng nếu ba mẹ chia tay. Nhưng tấm bảng gia đình văn hóa thì chúng ta không được phép nhận”.

Những điều con nói đã khiến mẹ mất ngủ cả đêm…