Đột ngột cắt điện đường cao tốc để... đòi nợ!
(NLĐO) - Điện lực Xuân Lộc cúp điện trên đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết tại nút giao với Quốc lộ 1A để đòi nợ là hành vi xem thường tính mạng người tham gia giao thông!
Đến giờ này, khi Công ty Điện lực Đồng Nai yêu cầu Điện lực Xuân Lộc báo cáo thì mọi người mới biết được đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết từng bị cúp điện ở nút giao Quốc lộ 1A.
Nguyên nhân rất đơn giản: Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) còn nợ chưa đến 50 triệu đồng tiền điện nên lãnh đạo Điện Lực Cẩm Mỹ và Điện lực Xuân Lộc dùng biện pháp bất chấp tính mạng của người tham gia giao thông là cúp điện.
Nút giao Quốc lộ 1A bị cúp 5 phút vào lúc trời sập tối ngày 12-4, còn nút giao ĐT 765 thì chưa kịp cúp đã được can thiệp. Cũng may là vụ việc trên chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng hành vi này là không thể chấp nhận.
Không hiểu lãnh đạo cơ quan trên nghĩ gì mà có thể ngang nhiên đưa ra quyết định xem thường tính mạng người khác như thế?
Tuy chỉ cắt điện trong thời gian ngắn nhưng hành động này đã uy hiếp tính mạng của hàng ngàn người lái xe, bởi lượng phương tiện qua nút giao này rất lớn.
Đi trên cao tốc, sơ sẩy một giây đã mất an toàn chứ nói gì cúp điện nút giao. Trong trường hợp xảy ra tai nạn thì sao? Lãnh đạo điện lực có chịu trách nhiệm hay lại đổ thừa, đùn đẩy?
Hợp đồng cung ứng điện là hợp đồng kinh tế. Nếu hai bên bất đồng hoặc không thực hiện nghĩa vụ của mình thì đưa đến các cơ quan chức năng giải quyết. Cần thiết có thể đệ đơn ra tòa án phân xử. Đó chính là ý thức tôn trọng pháp luật, hành xử đúng đắn theo quy định hiện hành. Tùy tiện hành động bất chấp sự an nguy của người khác là vi phạm pháp luật chứ không đơn giản chỉ là gây áp lực cho đối tác phải trả tiền.
Mặt khác, điện lực là doanh nghiệp cung ứng điện cũng không thể tự cho mình cái quyền ngưng dịch vụ trong khi dịch vụ này đang phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của người dân. Huống gì hành động trên có thể gây nguy hiểm cho xã hội!
Hệ thống cao tốc của chúng ta mới phát triển, còn quá nhiều vấn đề phải hoàn thiện. Những ngành hỗ trợ như điện, nước, dịch vụ cung ứng xăng dầu… đã có từ trước thì cùng hợp tác để sớm hoàn thành mục tiêu của Chính phủ giao. Không thể cứ vướng mắc ở cấp nhỏ như thế là gây áp lực để giải quyết mà ảnh hưởng cả một tuyến đường huyết mạch.
Mà cũng không thể cứ bất đồng ý kiến là mang lợi thế của mình ra đe dọa đối tác, bất chấp mối nguy hiểm gây ra cho xã hội.
Công ty điện lực chỉ nhìn thấy món tiền chưa đến 50 triệu đồng của mình mà không thấy được nhu cầu của xã hội, không thấy được sinh mạng của bao con người có thể bị uy hiếp bởi hành động của mình.