Lấy tài sản của con nợ có phạm tội?

"Sau nhiều lần đòi tiền, bạn không trả, tôi có lấy chiếc xe máy của bạn. Sau đó, bạn trả tiền và kiện tôi ra tòa vì hành vi cưỡng đoạt tài sản. Tôi có bị làm sao không?"

Nguyễn Thanh Hùng (huyện Hóc Môn, TP HCM) hỏi: "Tôi cho bạn mượn 10 triệu đồng, không làm giấy tờ. Sau nhiều lần đòi tiền, bạn không trả, tôi có lấy chiếc xe máy của bạn. Sau đó, bạn trả tiền và kiện tôi ra tòa vì hành vi cưỡng đoạt tài sản. Tôi có bị làm sao không?"

Luật sư Nguyễn Hải Nam, Văn phòng Luật sư Công Quyền (TP HCM), trả lời: Theo quy định của pháp luật dân sự, việc vay tài sản (khoản tiền) giữa bạn và người bạn hoàn toàn là sự thỏa thuận, các bên sẽ thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo thỏa thuận từ trước. Bên vay không trả nợ đúng hạn là đã vi phạm nghĩa vụ và xâm phạm đến lợi ích của bên cho vay. Do vậy, bạn có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục khởi kiện dân sự, gửi yêu cầu đến tòa án để thực hiện việc khởi kiện, yêu cầu bên vay thực hiện đúng nghĩa vụ.

Việc bạn lấy xe khi không đòi được nợ là vi phạm pháp luật. Điều 170 Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định về tội cưỡng đoạt tài sản như sau: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tái phạm nguy hiểm.

Căn cứ quy định trên, hành vi của bạn có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản.