Sản xuất, buôn bán hàng giả bị xử lý thế nào?

Bạn đọc Nguyễn Thành Vinh (quận 3, TP HCM) hỏi: "Thời gian gần đây việc sản xuất, buôn bán hàng giả (thuốc giả, rượu giả…) xảy ra nhiều gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Theo quy định pháp luật, hành vi này bị xử phạt như thế nào?".

Luật sư Nguyễn Hải Nam, Văn phòng Luật sư Công Quyền (TP HCM), trả lời: Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả ngày một gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Từ những vụ sản xuất, buôn bán hàng giả có giá trị chỉ vài chục triệu đồng trước đây, nay đã lên tới hàng trăm, hàng chục tỉ đồng. Sự gia tăng đó có nhiều nguyên nhân, trong đó có công tác quản lý của các cơ quan thực thi pháp luật còn lỏng lẻo, các quy định của pháp luật để điều chỉnh chưa đầy đủ, còn nhiều kẽ hở tạo điều kiện cho loại tội phạm này hoạt động.

Hàng giả ngày càng xuất hiện tràn lan trên thị trường làm ảnh hưởng đến nền kinh tế, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng, các công ty kinh doanh hợp pháp, đặc biệt là ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng.

Sản xuất, buôn bán hàng giả là một tội danh được quy định trong Bộ Luật Hình sự với mức phạt tù cao nhất là 15 năm tù giam. Ngoài ra, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả còn bị xử phạt hành chính đến 1 tỉ đồng.

Để giảm thiểu hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả. Ngoài ra, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có ý thức tự bảo vệ sản phẩm của mình bằng cách đăng ký quyền sở hữu công nghiệp cho các nhãn hiệu sản phẩm, kiểu dáng công nghiệp, tem chống hàng giả, cải tiến quy trình công nghệ, đưa ra các mẫu mã ký hiệu riêng cho sản phẩm của mình nhằm bảo đảm tính an toàn cao.