Thủ tục lập di chúc

Hỏi: Vợ chồng tôi đã lớn tuổi, muốn lập di chúc để phân chia căn nhà thuộc quyền sở hữu của chúng tôi cho các con. Vậy thủ tục lập di chúc như thế nào, cơ quan nào chứng thực? Việc lập di chúc có bắt buộc phải chia đều cho các con không hay tùy thuộc vào ý chí của vợ chồng tôi?

Trần Minh H. (quận Bình Thạnh - TPHCM)

- Luật sư Ngô Đình Hoàng trả lời: Quyền định đoạt tài sản là quyền của chủ sở hữu tài sản đó. Trong trường hợp ông bà có quyền sở hữu căn nhà thì ông bà có quyền định đoạt về căn nhà đó, bao gồm cả việc lập di chúc để lại căn nhà này cho các con. Trong nội dung di chúc, ông bà có quyền quyết định phần được hưởng di sản của mỗi người con là tỉ lệ bao nhiêu của căn nhà mà không bắt buộc phải chia đều hay không bắt buộc chia cho người con nào cũng có phần. 

Cơ quan chứng thực di chúc là cơ quan công chứng hoặc UBND cấp xã, phường, thị trấn.

Điều 658 Bộ Luật Dân sự quy định về thủ tục lập di chúc tại cơ quan công chứng hoặc UBND xã, phường, thị trấn như sau:

1. Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn ký vào bản di chúc;

2. Trong trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn. Công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.

Để việc lập di chúc được thuận lợi, tránh đi lại nhiều lần mất thời gian, ông bà nên chuẩn bị các loại giấy tờ trước khi lên cơ quan công chứng hoặc UBND xã, phường, thị trấn, gồm: a/ Hồ sơ pháp lý về chủ quyền căn nhà mà ông bà muốn lập di chúc để lại cho các con, hộ khẩu; b/ CMND của cả ông và bà, giấy khám sức khỏe của ông và bà do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp. Trường hợp ông hoặc bà không biết đọc, viết thì nên mời sẵn người làm chứng đi cùng.