Phóng sự điều tra: PHÒNG KHÁM “VẼ BỆNH, MOI TIỀN” (*): Bệnh trầm kha, không thể qua loa!

Để dẹp nạn "vẽ bệnh, moi tiền", Sở Y tế TP HCM cho rằng cần thu hồi vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động đối với các phòng khám, bác sĩ vi phạm đạo đức hành nghề khám chữa bệnh

Sáng 1-12, Thanh tra Sở Y tế TP HCM cho biết đơn vị này đã phối hợp với Công an TP HCM, Phòng Y tế quận 6 kiểm tra đột xuất Phòng khám Đa khoa Âu Á thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ y tế Âu Á tại số 425 Nguyễn Văn Luông, phường 12, quận 6, TP HCM.

Xem thường pháp luật khi liên tục tái phạm?

Động thái này diễn ra sau khi Báo Người Lao Động đăng tải loạt bài 5 kỳ về những phòng khám tư nhân "vẽ bệnh, moi tiền", trong đó có Phòng khám Đa khoa Âu Á.

Qua kiểm tra đột xuất cho thấy phòng khám này đã vi phạm một số quy định trong hành nghề khám chữa bệnh. Cụ thể: Phòng khám chưa báo cáo bổ sung trang thiết bị, cụ thể là máy siêu âm Cbit 4, có đầu dò siêu âm âm đạo để cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trước khi sử dụng; thực hiện kỹ thuật siêu âm tử cung buồng trứng qua đường âm đạo khi chưa được Sở Y tế thẩm định.

Đặc biệt, đoàn kiểm tra phát hiện các kết quả siêu âm đã thực hiện trước đó không có hình ảnh đo độ dày thành bàng quang nhưng kết luận lại ghi là "dày thành bàng quang"; các kết quả siêu âm thực hiện không có hình ảnh dịch tiền liệt tuyến nhưng kết luận lại cho rằng "tuyến tiền liệt có ít dịch".

Phòng khám Đa khoa Âu Á bị kiểm tra đột xuất sau loạt điều tra “Phòng khám “vẽ bệnh, moi tiền” của Báo Người Lao Động

Phòng khám Đa khoa Âu Á bị kiểm tra đột xuất sau loạt điều tra “Phòng khám “vẽ bệnh, moi tiền” của Báo Người Lao Động

"Rõ ràng với những kết luận áp đặt này sẽ làm cơ sở để phòng khám "vẽ bệnh, moi tiền" người bệnh. Thanh tra Sở Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với công an làm rõ hành vi này, cương quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật" - Sở Y tế nhấn mạnh .

Đáng chú ý, hồi tháng 10-2023, Phòng khám Đa khoa Âu Á từng bị Thanh tra Sở Y tế xử phạt hành chính 30 triệu đồng. Lý do: Phòng khám này có hành vi vi phạm quảng cáo có sử dụng các từ ngữ "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số 1" hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định.

Mê hồn trận phòng khám đa khoa

Nhằm tăng cường thông tin minh bạch giúp người dân dễ dàng tra cứu những thông tin cần thiết giấy phép hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh, giấy phép hành nghề của bác sĩ, phạm vi hoạt động chuyên môn..., cuối năm 2016, Sở Y tế TP HCM đã số hóa kho dữ liệu về cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động khám chữa bệnh tại địa chỉ https://thongtin.medinet.org.vn.

Đến tháng 3-2023, trên cổng tra cứu thông tin này có thêm ứng dụng "Quản lý danh mục kỹ thuật". Trong đó công khai danh mục kỹ thuật của tất cả bệnh viện công lập và ngoài công lập do Sở Y tế TP HCM quản lý. Cổng thông tin là nơi để người dân cùng tham gia giám sát và phản ánh kịp thời đến Sở Y tế các hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện danh mục kỹ thuật của các cơ sở khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, trong quá trình thâm nhập các phòng khám tư nhân có dấu hiệu "vẽ bệnh, moi tiền", chúng tôi vào địa chỉ https://thongtin.medinet.org.vn để tra cứu các danh mục kỹ thuật thì không phải phòng khám nào cũng có.

Điển hình, khi chúng tôi muốn tìm hiểu xem ở Phòng khám Đa khoa Tháng Tám có được nhận khám cho bệnh nhân yếu sinh lý (thuộc nam khoa) thì không cách nào tìm được. Trong thông tin của Phòng khám Đa khoa Tháng Tám thì tại mục "Danh sách phạm vi hoạt động đã đăng ký" chỉ có thông tin: "Thực hiện kỹ thuật chuyên môn được giám đốc Sở Y tế phê duyệt ban hành kèm theo giấy phép hoạt động". Còn tại mục "Danh mục kỹ thuật" thì trống trơn.

Cũng trên cổng tra cứu thông tin này, càng tra cứu càng thấy hoang mang vì tình trạng nhập nhằng thông tin các phòng khám. Ví dụ, khi tra địa chỉ 87-89 Thành Thái, phường 14, quận 10 thì ở đây hiện ra đến 3 đơn vị gồm: Phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH Phòng khám Đa khoa Elizabeth, Công ty TNHH Phòng khám Đa khoa Khang Thái, Phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH Phòng khám Đa khoa Hồng Cường.

Trong đó, Công ty TNHH Phòng khám Đa khoa Khang Thái đã bị thu hồi giấy phép, còn 2 đơn vị còn lại ở trạng thái đang hoạt động. Thực tế, tại địa chỉ trên hiện chỉ có Phòng khám Đa khoa Hồng Cường đang hoạt động.

Ngoài ra, cũng có nhiều phòng khám đa khoa hiển thị trạng thái đang hoạt động nhưng danh sách nhân sự chỉ có 1-2 người. 

Sở Y tế TP HCM: Nhân viên y tế đều phẫn nộ!

Từ thực tế "vẽ bệnh, moi tiền" đang diễn ra ở các phòng khám tư nhân mà chúng tôi ghi nhận được cũng như sự nhập nhằng thông tin trên cổng tra cứu https://thongtin.medinet.org.vn có thể nhận thấy việc quản lý, kiểm tra, hậu kiểm tra hoạt động của các phòng khám tư nhân chưa được chặt chẽ.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về tình trạng "vẽ bệnh, moi tiền" của các phòng khám tư nhân, Sở Y tế TP HCM cho biết chắc chắn rằng tất cả nhân viên y tế thành phố đều phẫn nộ và lên án hành vi này.

Để giải quyết tình trạng "vẽ bệnh, moi tiền", Sở Y tế đã kêu gọi người dân và nhân viên y tế cùng hỗ trợ ngành y tế phát hiện và kịp thời thông báo về Thanh tra Sở Y tế bằng cách gọi đường dây nóng hoặc thông báo qua ứng dụng "Y tế trực tuyến" hoặc bất cứ hình thức nào có thể để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Trước những hành vi vi phạm pháp luật khám chữa bệnh cứ tái diễn và chỉ xảy ra ở một số cơ sở y tế tư nhân (có yếu tố nước ngoài), ngành y tế TP HCM kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Theo đó, cần tăng nặng các hình thức xử phạt như thu hồi vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động nếu tái phạm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi liên quan đến đạo đức hành nghề khám chữa bệnh.

Da Trương Ba, hồn hàng thịt?

Trong quá trình thâm nhập các phòng khám đa khoa tư nhân với vai trò là bệnh nhân, chúng tôi nhận thấy ngoài các chiêu thức "vẽ bệnh" để "moi tiền" bệnh nhân thì vấn đề đáng lo ngại hơn cả là những người xưng là bác sĩ có dấu hiệu đáng ngờ.

Điểm chung của các phòng khám mà nhóm phóng viên Báo Người Lao Động tiếp cận là nhiều cá nhân làm việc ở đây không mang bảng tên nên rất khó xác định được chức danh hay danh tính cụ thể. Khi phóng viên hỏi thì có người né tránh không muốn trả lời hoặc có trả lời thì cũng có nhiều điểm mâu thuẫn.

Đơn cử ở Phòng khám Đa khoa Hoàn Cầu, người khám tai cho phóng viên tự xưng là bác sĩ Tiến nhưng không đeo bảng tên. Tra cứu thông tin hoạt động của Phòng khám Đa khoa Hoàn Cầu tại website https://thongtin.medinet.org.vn/ chúng tôi ghi nhận trong danh sách nhân sự có người tên Trần Quang Tiến - vị trí chuyên môn là bác sĩ phụ trách chuyên khoa tai mũi họng. Trong quá trình thăm khám, phóng viên xin thông tin liên lạc và thì bác sĩ Tiến cung cấp số điện thoại 0785931XXX.

Tuy nhiên sau đó, khi phóng viên thử liên hệ lại với nhân viên tư vấn của Phòng khám Đa khoa Hoàn Cầu để hỏi thông tin về người điều trị cho mình cũng như xin số điện thoại thì được cung cấp số điện thoại trùng khớp nhưng tên lại là bác sĩ Lâm. Đáng nói, trong danh sách nhân sự của phòng khám này không có ai tên Lâm.

Tại Phòng khám Đa khoa Tháng Tám, người trực tiếp khám chứng yếu sinh lý cho phóng viên mang bảng tên Trần Thị Huyền. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi tên thì người này lại xưng là Trần Thị Khánh Huyền. Trong danh sách nhân sự của phòng khám này đúng là có người tên Trần Thị Huyền nhưng lại là bác sĩ chuyên khoa ngoại. Vậy người đã khám cho phóng viên thật sự là ai, có kiến thức chuyên môn về nam khoa, niệu đạo hay không?

Cũng như vậy, theo danh sách nhân sự Phòng khám Đa khoa Hồng Cường mà chúng tôi tra cứu trên cổng thông tin của Sở Y tế TP HCM, ở đây chỉ có 1 nhân sự phụ trách chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa sản phụ khoa - kế hoạch hóa gia đình mang tên Lê Hữu Liêm. Tuy nhiên, khi phóng viên đến khám phụ khoa thì có đến 3 người phụ nữ mặc áo blouse thăm khám, chỉ định các xét nghiệm, đọc kết quả, chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị. Vậy họ là ai, 1 trong 3 người phụ nữ này có ai tên là Lê Hữu Liêm không?

Còn danh sách nhân sự ở Phòng khám Đa khoa Hà Đô chỉ có 1 bác sĩ phụ khoa tên Lâm Thị Lạt. Trong quá trình khám cho phóng viên trong vai bệnh nhân mắc bệnh phụ khoa cũng xưng là bác sĩ Lạt và cho số điện thoại. Khi chúng tôi liên lạc lại theo số điện thoại được cung cấp, sau khi hỏi đủ cách để biết tên bác sĩ, chúng tôi nhận được câu trả lời rõ ràng là "Lê Thị Lạc", người này còn nhấn mạnh "lạc" là đậu phộng.

Những mâu thuẫn trên khiến chúng tôi đặt nghi vấn: Liệu có tình trạng "Da Trương Ba, hồn hàng thịt" ở các phòng khám tư nhân?

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-11