"Qua miền Tây Bắc" - thấm thía giá trị hòa bình
Mỗi "địa chỉ đỏ" đều gây xúc động mạnh với những nhà báo trẻ, vì sau những bài học từ sách vở còn là chuỗi trải nghiệm giúp thấm thía hơn về giá trị của hòa bình
Tây Bắc những ngày cuối năm 2023, Đoàn cán bộ tuyên giáo, báo chí, xuất bản tiêu biểu của TP HCM với hơn 90 thành viên thực hiện chuyến về nguồn mang tên "Qua miền Tây Bắc".
Nhân lên lòng yêu nước
Ấn tượng nhất phải kể đến chặng qua vùng đất Sơn La, Điện Biên anh hùng. Chiều Sơn La lặng gió, nắng vàng ngả trên những cung đường quanh co. Chúng tôi đến thăm Di tích Quốc gia đặc biệt nhà tù Sơn La nằm trên đỉnh đồi Khau Cả. Đón đoàn là thuyết minh viên Vũ Thu Thủy - một cán bộ trẻ của Trung tâm Truyền thông văn hóa TP Sơn La.
Nhà tù Sơn La không còn nguyên vẹn nhưng chúng tôi đã được chạm tay vào những xà lim, cùm sắt, những buồng tối nằm sâu trong lòng đất in hằn dấu ấn tội ác của kẻ thù. Nhìn từ bên ngoài, nhà tù như một khối đá khổng lồ được bao quanh là bức tường xám xịt, u ám, cắm lởm chởm mảnh chai vỡ và dây thép gai. Với dã tâm giết dần những người cách mạng, người yêu nước bằng bệnh tật, khổ sai, bọn cầm quyền Pháp bấy giờ đã biến nơi đây thành "địa ngục trần gian" khét tiếng.
Cách cổng chính không xa là vết tích của căn phòng hình tam giác rộng chưa đến 4 m2 - nơi kẻ thù từng giam giữ "cánh chim đầu đàn của phong trào cách mạng ở nhà tù Sơn La" - Tô Hiệu. Những năm tháng cuối đời bị giam tại đây, Tô Hiệu đã trồng một cây đào. Cây đào Tô Hiệu trở thành biểu trưng cho tinh thần bất khuất trước kẻ thù, cũng là niềm tin mãnh liệt vào ngày toàn thắng của dân tộc. Ngày nay, "chứng nhân lịch sử" ấy vẫn bám rễ, vươn cành, đơm hoa như khẳng định quyết tâm xây dựng đất nước ngày càng mạnh giàu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.
Trong giai đoạn từ 1930-1945, Nhà tù Sơn La giam cầm hơn 1.000 tù nhân, trong đó có nhiều chiến sĩ cộng sản xuất sắc như: Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ… Thắp nén tâm hương ở Nghĩa trang Liệt sĩ Nhà tù Sơn La, ai trong đoàn cũng trào nước mắt.
Chị Vũ Thu Thủy kể cũng chính những cảm xúc thiêng liêng ấy đã níu chân chị ở lại nơi đây. Là cán bộ trẻ, chị yêu và tự hào khi công việc mình theo đuổi còn giúp nhân lên lòng yêu nước cho nhiều người hơn.
Cùng với lòng kính trọng, biết ơn vô hạn đó, đoàn đã không kìm nổi xúc động khi viếng Di tích Trung đoàn 52 Tây Tiến nằm trên đồi Nà Bó, thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Thấm nhuần tinh thần dân tộc
Chia tay Sơn La, chúng tôi đến tỉnh Điện Biên.
Nằm trên trục đường Võ Nguyên Giáp, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cùng Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1, Đền thờ các liệt sĩ trên đồi F, đồi A1, hầm chỉ huy của tướng DeCastries, Tượng đài chiến thắng... tạo thành khu du lịch văn hóa, lịch sử khép kín trong lòng TP Điện Biên Phủ.
Với nhà báo trẻ Điểu Tỷ Huỳnh - Đài Tiếng nói Việt Nam, nơi độc đáo và ấn tượng không thể không kể đến là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Theo anh, Chiến thắng Điện Biên Phủ - biểu tượng vĩ đại của lòng yêu nước, sự vĩ đại đó sẽ không thể được lột tả hết qua những trang viết.
Ở Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, điểm nhấn đặc biệt nhất là Bức tranh Panorama về "Chiến dịch Điện Biên Phủ" được vẽ bằng chất liệu sơn dầu. Bức tranh có diện tích 3.250 m2, vẽ liên hoàn theo một vòng tròn trong không gian, kết hợp nghệ thuật phù điêu và sắp đặt hiện vật.
Theo lời thuyết minh đầy xúc cảm, chúng tôi lần lượt dẫn dắt đi qua từng trường đoạn của bức tranh, từ "Toàn dân ra trận", "Khúc dạo đầu hùng tráng", "Cuộc đối đầu lịch sử" đến "Khúc khải hoàn mừng chiến thắng" với niềm cảm phục, biết ơn và đầy tự hào về thời đại Hồ Chí Minh anh hùng. Cũng tại bảo tàng có gần 1 ngàn hiện vật gốc tái hiện sinh động 56 ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt" của các chiến sĩ đã làm nên chiến thắng vĩ đại.
Tiêu biểu trong số hiện vật là chiếc xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm - dân công tỉnh Thanh Hóa. Điều gây xúc động mạnh cho chúng tôi là khi biết nguyên nhân phần bánh của chiếc xe này được "sơn son thếp vàng" rất bắt mắt. Vì nhà nghèo, không có phương tiện vận chuyển lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Bầm tự tay đóng xe cút kít. Không đủ gỗ để hoàn thiện, ông lấy miếng gỗ từ bàn thờ của gia đình là loại gỗ tốt, bền và chịu lực cao để lắp vào phần bánh. Với chiếc xe này, không quản ngại núi cao, vực sâu, trong suốt 4 tháng ông Bầm đã vận chuyển gần 12.000 kg lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cũng là một người phương Nam lần đầu ngược lên Tây Bắc, được tận tay "chạm vào lịch sử" ở những "địa chỉ đỏ" khiến nhà báo Lê Thị Kim Thoa, Báo Pháp luật TP HCM, nhiều lần rơi nước mắt.
"Tôi như được chạm vào lịch sử sau chuỗi bài học từ sách vở mà đến giờ có lẽ đã nhớ nhớ, quên quên. Nhờ vậy mà tôi càng thêm yêu quê hương, yêu đất nước và tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc. Từ đó, tôi càng ý thức được mình cần phải rèn luyện, học tập, phấn đấu nhiều hơn nữa, sống một cuộc đời có ích, đóng góp những điều nhỏ bé sau những hy sinh của các bậc ông cha" - chị Thoa chia sẻ.
Trao "nắng ấm" phương Nam
Trong chuyến hành trình, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, Hội Nhà báo TP HCM phối hợp các cơ quan báo chí trao 160 triệu đồng quà tặng cùng hiện vật cho các gia đình chính sách, gia đình khó khăn, học sinh nghèo và Đồn Biên phòng Huổi Puốc (xã Mường Lói). Hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Báo Người Lao Động tặng tỉnh Điện Biên 5.000 lá cờ thuộc chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc".