Không biết thông tin

Tại “Sàn giao dịch việc làm TPHCM” được tổ chức trong hai ngày cuối tuần qua, Báo Người Lao Động đã bố trí một nhóm luật gia, phóng viên chuyên tư vấn pháp luật lao động nhằm cung cấp những thông tin cần thiết cho người lao động (NLĐ) trước khi tham gia quan hệ lao động.

Trong số hơn 10.000 lượt người đến tìm việc, chỉ có... 4 người đến nhờ tư vấn về pháp luật lao động. Đáng buồn hơn, cả 4 trường hợp này chỉ đến nhờ tư vấn về những quyền lợi được hưởng sau khi chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc bị chấm dứt HĐLĐ trái luật mà không biết, nghĩa là khi “sự việc đã rồi”.

Một cuộc trắc nghiệm nhỏ của chúng tôi với 4 người trên cho kết quả chung: Họ đều không có chút thông tin gì về pháp luật lao động trước khi giao kết hợp đồng. Thậm chí, có trường hợp chỉ biết điền thông tin cá nhân của mình vào bản hợp đồng rồi đưa lại cho chủ và sau đó cũng chẳng biết người sử dụng lao động ghi những gì trong đó.

Hiện TP có nhiều đơn vị tư vấn pháp luật lao động miễn phí cho NLĐ, nhưng số người đến tìm hiểu những quy định này trước khi giao kết HĐLĐ là rất hiếm, nếu không muốn nói là không có. Chính sự thờ ơ này đã dẫn đến thực tế là trong nhiều vụ tranh chấp lao động, NLĐ đã phải chịu thiệt thòi do những điều khoản mà họ đã ký kết trước đó. Cũng vì thế mà không ít các cuộc ngừng việc tập thể đã xảy ra, gây thiệt hại cả cho chủ doanh nghiệp và NLĐ. Khi NLĐ chưa thực sự quan tâm đến quyền, nghĩa vụ của mình, tranh chấp xảy ra là tất yếu.