Rút ngắn tiến độ 6 tháng đối với dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột
(NLĐO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có ý nghĩa quan trọng, kết nối 2 vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Ngày 29-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra thực tế thi công tuyến cao tốc Vân Phong - Nha Trang và tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Bí thư, Chủ tịch đến tận nhà vận động nhân dân
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải), đến nay, công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang cơ bản đáp ứng yêu cầu, đã bàn giao 83,03km/83,35km (đạt 99,7%), còn khoảng 0,32km tuyến chính do vướng một phần nằm đỉnh taluy đoạn nền đường đào.
Khó khăn của dự án này là công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, đến nay mới di dời được 82/164 vị trí, còn 82 vị trí chưa di dời. UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo hoàn thành di dời hạ tầng thiết yếu xong trước 30-4 và điện cao thế trước 30-5. Tuy nhiên, các mốc tiến độ trên đều chưa hoàn thành, đặc biệt vật tư nhập khẩu cho đường điện cao thế dự kiến tháng 7-2024 mới đến công trường.
Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang dài hơn 83 km, đi qua 4 huyện, thị xã: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh và Khánh Vĩnh thuộc tỉnh Khánh Hòa. Dự án có tổng mức đầu tư 11.808 tỉ đồng; khởi công tháng 1-2023, dự kiến hoàn thành theo hợp đồng tháng 12-2025.
Theo ông Lê Quốc Dũng - Quyền Giám đốc Ban quản lý dự án 7, hiện các nhà thầu đã huy động 42 mũi thi công (24 mũi thi công đường, 18 mũi thi công cầu) với 1.020 thiết bị, 1.877 nhân lực đồng loạt thi công trên toàn bộ tuyến đường. Đến nay, sản lượng đạt 3.451/7.138 tỉ đồng (50% giá trị hợp đồng). Sản lượng của dự án đến nay vượt so với kế hoạch hợp đồng khoảng 5%.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết ngành đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công để rút ngắn tiến độ. Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ Công Thương chỉ đạo các địa phương hoàn thành công tác di dời hạ tầng kỹ thuật và giải phóng mặt bằng còn lại theo các mốc tiến độ cam kết để bàn giao 0,32 km còn lại; Tập đoàn điện lực Việt Nam di dời công trình thiết yếu còn lại xong trước 15-5; di dời điện cao thế trước ngày 30-6.
Bộ Giao thông vận tải cùng các đơn vị triển khai dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang sẽ rà soát lại tiến độ, tập trung xử lý các đường găng và nỗ lực để đẩy khối lượng thi công, phấn đầu hoàn thành vào ngày 30-4-2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Sau khi trực tiếp thị sát dọc tuyến Cao tốc Vân Phong – Nha Trang, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương quyết tâm, nỗ lực của địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu trong việc giải phóng mặt bằng, đưa tiến độ dự án vượt kế hoạch. Thủ tướng đề nghị chủ đầu tư và đơn vị thi công tiếp tục thi công với tinh thần "vượt nắng thắng mưa", "làm 3 ca, 4 kíp", làm xuyên lễ…
Về các vướng mắc giải phóng mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu địa phương và EVN khẩn trương xử lý, giải quyết dứt điểm; lưu ý EVN điều chuyển trang thiết bị từ các dự án khác cho việc di dời công trình điện phục vụ dự án này, không để chờ thiết bị. "Hiện nay, vướng mắc về mặt bằng tại dự án này không đáng kể. Còn một vài hộ dân nếu địa phương không xử lý được thì Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đến tận nhà vận động" - Thủ tướng chỉ đạo.
Yêu cầu vượt tiên độ 6 tháng
Tiếp đó Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra dự án thành phần 1 của Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Giai đoạn 1 của dự án này dài 117,5 km, qua 2 tỉnh Khánh Hòa (khoảng 32, 7km) và tỉnh Đắk Lắk (khoảng 84,8 km) với quy mô 4 làn xe, chia làm 3 dự án thành phần, tương ứng 3 đoạn.
Dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan chủ quản, tổng mức đầu tư 5.333 tỉ đồng; dự án 2 do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản (10.436 tỉ đồng), dự án 3 do UBND tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản (6.165 tỉ đồng).
Thành phần 1 của tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 32km, có tổng diện tích giải phóng mặt bằng là 228,17 ha. Đến nay công tác giải phóng mặt bằng mới đạt 74% do vướng đoạn phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng ở cuối tuyến từ km28+700 đến Km31+500 (2,8 km) và các đoạn qua khu vực dân cư phải bố trí tái định cư, các đoạn phải di dời hạ tầng.
Theo tiến độ dự kiến, dự án cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Trong quá trình thi công, tỉnh Khánh Hòa nhận thấy có bất cập tại nút giao giữa tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Quốc lộ 26.
Theo ông Phạm Văn Hòa - Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa, điểm gần nhất của Khu công nghiệp Ninh Xuân chỉ cách đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột khoảng 1,8km. Sau khi Khu công nghiệp Ninh Xuân hình thành sẽ thu hút hơn 500 dự án, khiến hoạt động giao thông đường bộ gia tăng.
Bên cạnh đó, việc kết nối hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp này vào tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển lưu thông hàng hóa giữa Khu công nghiệp Ninh Xuân với các khu chức năng trong khu vực, tạo tiền đề, động lực và không gian mới phục vụ phát triển kinh tế của khu vực. Kinh phí để hoàn chỉnh nút giao đã có trong dự toán, không phát sinh thêm.
Vì vậy, Ban kiến nghị Bộ Giao thông vận tải và Thủ tướng Chính phủ việc đầu tư hoàn chỉnh nút giao liên thông giữa tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Quốc lộ 26 ngay trong giai đoạn 1 của dự án, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và của khu vực thị xã Ninh Hòa nói riêng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Bộ Giao thông vận tải phải nhìn tổng thể bài toán phát triển kinh tế, thấy cái gì tốt nhất, có lợi nhất thì làm. Vì vậy Thủ tướng đồng ý chủ trương hoàn chỉnh nút giao này ngay trong giai đoạn 1.
Thủ tướng nhấn mạnh dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có ý nghĩa quan trọng, kết nối 2 vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; công trình hoàn thành sớm ngày nào người dân sớm hưởng lợi ngày đó; Tây Nguyên - Nam Trung Bộ có thêm điều kiện phát triển ngày đó.
Thủ tướng yêu cầu 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk giải phóng mặt bằng nhanh, khuyến khích tái định cư tại chỗ và có thể bố trí nơi ở tạm, bảo đảm người dân có nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.
Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương xử lý vướng mắc, hoàn thành các thủ tục liên quan đến rừng, xử lý tài sản tận thu và các thủ tục liên quan, kịp thời bàn giao mặt bằng để triển khai thi công.
Trước đề nghị của Thủ tướng, tập đoàn Sơn Hải - đại diện các nhà thầu thi công - cam kết sẽ nỗ lực rút ngắn tiến độ dự án 6 tháng.