4N+S và điếc đang đe doạ người dân TP

Biểu đồ lượng bệnh nhân tai - mũi - họng những năm gần đây không ngừng gia tăng. Có thể thấy điều đó tại phòng khám tai - mũi - họng ở bất cứ bệnh viện công hay tư nào tại TPHCM. Tiến sĩ - bác sĩ Đặng Xuân Hùng, giảng viên bộ môn tai mũi họng Trường Đại học Y Dược TPHCM - đang công tác tại Bệnh viện Nhân dân 115, sẽ lý giải về bệnh lý này và đưa ra những lời khuyên phòng ngừa, điều trị.

“Làm không kịp trở tay” là cụm từ mà tiến sĩ Đặng Xuân Hùng đã thốt lên khi mở đầu cuộc trao đổi với chúng tôi. Ông nhận xét, không cần chú ý lắm vẫn có thể thấy hầu như ở bệnh viện nào cũng tràn ngập bệnh nhân tai - mũi - họng. Theo quan sát của chúng tôi, lượng bệnh nhân đến Bệnh viện Nhân dân 115 đông đến nỗi các bác sĩ chỉ có khoảng 5 phút để khám cho mỗi người!

Khói, bụi là thủ phạm chính!

Trước hết về mũi - họng, theo tiến sĩ Hùng, hiện nay các loại bệnh tập trung nhất vào mũi xoang do môi trường gây ra. Nhưng môi trường ở đây, ngoài những trường hợp dị ứng (do thực phẩm, bồ hóng, thuốc...), tác nhân chính gây bệnh là khói, bụi, nguy hiểm nhất là bụi và khói xe ngoài đường phố- nơi mà nhiều loại khí thải độc hại, như NO2, SO2, CO chẳng hạn, sẵn sàng “xộc” vào mũi của người đi đường.

 “Nhưng bệnh về mũi xoang bắt đầu với những triệu chứng gì?”. Tiến sĩ Hùng giải thích câu hỏi này bằng ký hiệu 4 N+S mà ông đặt cho dễ nhớ, nghĩa của nó là nhức đầu, nhảy mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi và sổ mũi. Tùy tình trạng bệnh mà một hay nhiều triệu chứng trên xuất hiện, nhưng khi bệnh nhân cảm thấy bị hành hạ bởi cả năm triệu chứng thì bệnh đã tới mức nặng nề. Riêng đối với trẻ em, theo tiến sĩ Hùng, chính nhiệt độ cao, độ ẩm thấp, khói bụi và nắng khiến cho VA của các cháu trở nên quá phát (lớn nhiều so với bình thường). Triệu chứng của các cháu lúc này là sổ mũi, sốt nhẹ, ho dai dẳng và nhức đầu (thường khó phát hiện ở trẻ dưới 6 tuổi). Biến chứng khá phổ biến do VA đưa đến là viêm phế quản, rất hay bị nhầm lẫn khi điều trị nội khoa (dùng thuốc).

Tai và những vấn đề không thể xem thường!

Nguy hiểm nhất hiện nay chính là biến chứng viêm tai giữa, và lúc này tình thế nan giải hơn, bởi khi đã phát bệnh, giữa tai - mũi - họng là một vòng xoắn bệnh lý tác động qua lại. Viêm tai giữa- theo tiến sĩ Hùng - không chỉ là biến chứng của VA quá phát, mà nước bẩn cũng dẫn đến hậu quả này. Ông thật sự quan ngại khi nghĩ đến thói quen tắm sông, rạch của người dân miền Tây, nhất là trẻ em, bởi đó là nguồn nước có nhiều vi trùng hémophylis influenza luôn “phục” sẵn để tấn công vào tai - mũi - họng và có thể gây viêm tai. Thật ra, viêm tai giữa nếu điều trị từ đầu thì sẽ ổn và không để lại di chứng, dù đó là người lớn hay trẻ em. Ở giai đoạn cấp của viêm tai giữa, có thể xuất hiện các triệu chứng như ù tai, nghe kém, sốt, đau tai. Cuối giai đoạn cấp sẽ xuất hiện tình trạng chảy mủ tai, cũng có nghĩa là đã thủng màng nhĩ.

Không chỉ bị viêm tai giữa, tai có thể mất hẳn thính lực (sức nghe) do tiếng ồn. Tiến sĩ Hùng cho rằng tiếng ồn ở TPHCM đã vượt tiêu chuẩn Nhà nước cho phép là 85 dB (décibel). Ở không ít nhà máy dệt, xí nghiệp cơ khí... tiếng ồn có thể vượt từ 10- 20 dB; còn ngoài đường phố, nhiều nơi cũng vượt mức quy định khoảng 10 dB. Các cuộc nghiên cứu cho thấy, tiếng ồn không gây ảnh hưởng tức khắc mà chỉ tác động âm ỉ, kéo dài, làm giảm dần sức nghe từ 3 tháng đến vài năm sau đó. Tiếng ồn tác động vào tai qua 3 giai đoạn: thích ứng, tiềm tàng và tổn thương. Giai đoạn đầu có thể nghỉ ngơi để hồi phục. Giai đoạn hai vẫn có thể giao tiếp bình thường, tuy nhiên ảnh hưởng của tiếng ồn có thể tác động âm ỉ sau 5- 10 năm. Giai đoạn cuối tức là lúc tiếng ồn đã gây tổn thương trên ốc tai thuộc tai trong, sau đó tác động vào hạch thần kinh trên ốc tai và nặng nhất là sau ốc tai. Hậu quả là mất thính lực vĩnh viễn, vô phương điều trị.

Biện pháp số 1 vẫn là phòng ngừa

Tiến sĩ Đặng Xuân Hùng cho rằng để tránh tác động của bụi, khói đối với xoang mũi, mang khẩu trang khi ra đường là lựa chọn tốt nhất; còn để phòng bệnh ở tai nên tránh tiếp xúc thường xuyên với tiếng ồn và dùng nút nhét tai (hiện có nhiều trên thị trường). Không tắm ở những nguồn nước mất vệ sinh. Thường xuyên làm vệ sinh cá nhân. Riêng đối với anh em cảnh sát giao thông đứng chốt, do đặc thù công tác, có thể phòng ngừa bằng cách súc miệng và rửa mũi nhiều lần trong ngày để loại bớt khói bụi chưa thâm nhập sâu vào bên trong. Ông còn đề nghị Nhà nước tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về giao thông, đặc biệt là việc tuân thủ các biển báo chống ồn ở khu vực bệnh viện, trường học...

Tiến sĩ Hùng khuyến cáo khi đã có những dấu hiệu của bệnh tai - mũi - họng đã nêu ở phần trên, cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa để điều trị, thực hiện đầy đủ y lệnh của bác sĩ cho tới khi hồi phục hoàn toàn.

Tai - mũi - họng qua vài con số thống kê

Bác sĩ Vũ Văn Khánh - Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng Bệnh viện 30-4 - chủ đề tài nghiên cứu khoa học “Tình hình bệnh lý tai - mũi - họng và giảm thính lực ở cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ Công an TPHCM”:

Tình trạng viêm họng, viêm amidan mạn tính và viêm xoang ở CSGT rất cao, chiếm 51,31% tren tổng số 58,67% số CSGT bị bệnh tai - mũi - họng. Đó là một tỉ lệ cao trong xã hội.

(Trên đây chỉ là con số ghi nhận cách đây 4 năm. Trong đợt khám sức khỏe mới nhất năm 2000, có 383/611 chiến sĩ công an được khám đã bị viêm tai mũi họng và hen phế quản.

 Bác sĩ Lê Huỳnh Mai - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Trung tâm Tai - Mũi - Họng TPHCM:

- Hiện nay, mỗi ngày trung tâm tiếp nhận 800 bệnh nhân, trong đó bệnh về mũi xoang chiếm 1/3. So với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân nhập viện (nội trú) tăng 25%, bệnh nhân ngoại trú tăng 36%.