Bắt tay để đoán bệnh

(NLĐO)- Nếu bạn muốn biết mình có nguy cơ mắc bệnh đãng trí và đột quỵ hay không, nghiên cứu từ những bài kiểm tra nhỏ dưới đây sẽ đem lại cho bạn câu trả lời.

img
Ảnh minh họa Internet
 
Bắt tay chặt và mạnh mẽ không chỉ là dấu hiệu thể hiện sự tự tin mà theo các bác sĩ, nó còn cho thấy tình trạng sức khỏe của bạn. Hội nghị thường niên lần 64 của Hiệp hội Thần kinh học ở Mỹ đã công bố nghiên cứu trên 2.500 người trong hơn một thập kỉ qua, cho thấy có sự liên hệ giữa độ mạnh, yếu trong cái bắt tay và chứng mất trí cũng như đột quỵ. Những người bắt tay mạnh giảm đến 42% nguy cơ đột quỵ so với những người bắt tay yếu.

Vậy sự liên hệ ở đây là gì? Theo bác sĩ Erica Camargo thuộc Trung tâm Y khoa Boston, khi mạch máu trong não nảy sinh vấn đề, nó sẽ thể hiện ra ngoài theo nhiều cách khác nhau. Nếu như cái bắt tay của bạn trở nên yếu ớt thì nó có thể là một dấu hiệu cho thấy tim mạch của bạn không ổn.

Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy những người đi nhanh thì nguy cơ mắc chứng mất trí thấp hơn người khác. Đi bộ nhanh có thể là thách thức lớn cho những người yếu não bởi vì bộ não buộc phải hoạt động năng suất hơn để xử lý thông tin về nơi sẽ đến và lên kế hoạch cho chuyến đi.
 
Nếu bạn ngủ mà vẫn mở ti hí, bạn có nguy cơ gặp các vấn đề về trí nhớ sau này. Theo nghiên cứu của Đại học Y khoa Washington, những người thức dậy trên 5 lần mỗi giờ sẽ có nhiều mảng bám amyloid trong não – tiền thân của bệnh Alzheimer.

Thậm chí khi bạn ngủ 8 tiếng trong một đêm cũng đừng chắc chắn đã an toàn. Bởi vì những người tham gia nghiên cứu này đều nằm trên giường 8 giờ, nhưng chỉ thật sự đi vào giấc ngủ khoảng 6 tiếng rưỡi. Kết quả, 25% trong số này có  các mảng amyloid.