Biến chứng viêm xoang nguy hiểm

Viêm xoang (hay còn gọi là viêm mũi xoang) là loại bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng thường rộ lên vào thời điểm giao mùa. Những ngày gần đây bệnh gia tăng đáng kể tại một số cơ sở chuyên khoa tai- mũi- họng TPHCM. Có thể nói, cứ khoảng 10 bệnh nhân đến khám thì 4 đến 5 người được phát hiện viêm xoang.

. Viêm xoang là bệnh của toàn cầu, phổ biến nhất là ở các nước đang phát triển . Đối với trẻ em hoặc những người thiếu sức đề kháng, viêm xoang có thể dẫn đến biến chứng trong ổ mắt, gây áp-xe hậu nhãn cầu có thể đưa đến tử vong

. Viêm xoang khó điều trị phục hôi hoàn toàn

Đề phòng các biến chứng

Theo PGS-TS Nhan Trừng Sơn, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tai-Mũi - Họng Trung tâm Đào tạo & Bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM, viêm xoang hầu hết do dị ứng, mà điểm khởi phát là viêm mũi dị ứng. Viêm mũi dị ứng là tình trạng lỗ thông mũi xoang bị nghẹt, vi khuẩn phát triển gây phù nề niêm mạc mũi. Viêm xoang nếu không được phát hiện sớm và điều trị tích cực có thể gây ra một số biến chứng không thể xem thường như:

. Viêm não, nhiễm trùng huyết. Loại biến chứng cấp này rất nguy hiểm, nhưng gần đây nhờ sự can thiệp khá hữu hiệu của thuốc kháng sinh nên số lượng mắc phải không nhiều.

. Biến chứng nhiễm trùng lan tỏa do ổ vi khuẩn nhanh chóng di chuyển. Bắt đầu từ viêm mũi đến viêm VA, amidan; rồi viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi... Giai đoạn này người bệnh thỉnh thoảng đi tiêu chảy, đau bụng, rối loạn tiêu hóa.

. Đối với trẻ em hoặc những người thiếu sức đề kháng, viêm xoang có thể dẫn đến biến chứng trong ổ mắt, gây áp-xe hậu nhãn cầu, có thể tử vong. Biến chứng này thường xảy ra hơn là viêm não hoặc nhiễm trùng huyết.

. Viêm xoang không điều trị đúng trong giai đoạn cấp sẽ chuyển sang tình trạng mãn mà dấu hiệu dễ nhận thấy là người bệnh “khụt khịt” suốt ngày. Giai đoạn này nếu để vi khuẩn tấn công, gây nhiễm trùng lan tỏa thì tình trạng viêm xoang cấp sẽ tái diễn, lần này khó điều trị hơn vì bệnh đã lờn thuốc.

. Cũng xảy ra biến chứng viêm thận (khởi phát từ viêm amidan), nhưng tỉ lệ không nhiều.

Những dấu hiệu của viêm xoang

PGS-TS Nhan Trừng Sơn giải thích thêm: Nếu như viêm mũi dị ứng- xuất phát điểm của viêm xoang- có các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy mũi, ngứa mũi, nhảy mũi (hắt hơi), thì dấu hiệu của viêm xoang khác nhiều. Trước hết là hiện tượng chảy nước mũi đục như mủ; kèm theo đó là đau nhức vùng xoang hai bên má (nếu là viêm xoang hàm), hoặc nhức vùng lông mày (viêm xoang trán), nhức sau gáy (viêm xoang sàn), hiện tượng chảy mũi phía trước (viêm xoang hàm), chảy mũi ra phía sau rồi nhổ ra qua đường miệng (viêm xoang sàn, xoang bướm). Tuy nhiên, bác sĩ cần có kết quả chụp X-quang xác định hiện trạng để đưa ra chỉ định điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật. Ở đây cần lưu ý rằng, xoang trẻ em không phải là xoang người lớn thu nhỏ. Nó phát triển theo tuổi tác. Ví dụ, ở tuổi từ 2 đến 3, nếu trẻ bị viêm xoang thì chỉ có thể là viêm xoang sàn; tuổi từ 4 đến 5 - viêm xoang hàm; tuổi từ 9 đến 10 - viêm xoang trán; tuổi từ 13 đến 14 - viêm xoang bướm. Tóm lại, do đặc điểm thể trạng, bệnh xoang trẻ em dễ nhiễm trùng lan tỏa và tất nhiên là dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm hơn người lớn rất nhiều.

Hiệu quả điều trị hạn chế, phòng ngừa là tốt nhất!

img Phóng viên: Thưa PGS - TS Nhan Trừng Sơn, lúc nào thì cần đến một cơ sở chuyên khoa nào đó để được thăm khám xem có viêm xoang hay không?

- PGS-TS Nhan Trừng Sơn: Đó là lúc xuất hiện các triệu chứng của viêm mũi dị ứng, như nghẹt mũi, chảy mũi, ngứa mũi và nhảy mũi (hắt hơi). Lúc đó, xoang có thể chưa viêm, nhưng đừng chậm trễ nữa vì có thể gặp phiền phức sau này.

img Ông có thể giới thiệu các phương pháp điều trị viêm xoang hiệu quả hiện đang được áp dụng?

- Tùy theo mức độ viêm xoang mà có những cách điều trị thích hợp. Trước hết là phương pháp Proetz, còn được gọi nôm na là súc xoang hay kê kê. Đây là cách rửa xoang lấy mủ ra nhưng không đau, không chảy máu mà chẳng cần kìm, kéo gì. Phương pháp này tương đối hay trong những trường hợp nhẹ. Cách điều trị thứ hai là dùng thuốc. Chúng ta biết có ba loại vi khuẩn chủ yếu gây viêm mũi xoang là phế cầu, Hémophylis influenza và liên cầu. Nếu dùng kháng sinh đúng, đủ và đều có thể đánh thắng vi khuẩn; ngược lại, nếu không dùng thuốc đúng chỉ định, vi trùng sẽ lờn thuốc, quấy nhiễu trở lại và bệnh sẽ tái phát. Phẫu thuật là sự lựa chọn cuối cùng khi hai phương pháp trên thất bại. Trong thập niên gần đây, bên cạnh phương pháp mổ cổ điển, ngành y khoa đã có thêm kỹ thuật mổ và chẩn đoán (chủ yếu là mổ) bằng nội soi. Tất nhiên, biện pháp này tốn kém nhiều tiền bạc và thời gian hơn.

img Nhưng điều quan trọng là liệu phẫu thuật có đáp ứng mong đợi của người bệnh không, thưa ông?

- Viêm xoang dù mổ giỏi cách mấy, kể cả ở nước ngoài, cũng hiếm khi đạt hiệu quả trọn vẹn. Khả năng phục hồi, theo tôi, nếu đạt trên 80% đã là khá rồi.

. Do vậy mà sự phòng bệnh trở thành biện pháp tối ưu?

- Bệnh nào cũng phải phòng xa, viêm xoang càng nên như vậy. Để phòng viêm xoang, theo tôi trước hết cần tránh mọi tác nhân có thể gây dị ứng, bởi như tôi đã trình bày ở phần trước, viêm mũi dị ứng là điểm xuất phát dẫn đến viêm xoang. Cụ thể, chúng ta cần làm sạch môi trường chung quanh, tránh xa bụi khói, chất thải; ăn uống đủ dinh dưỡng; khi đi tắm tại các hồ bơi, nên chọn những nơi đã qua kiểm tra bảo đảm vệ sinh nguồn nước. Và luôn nhớ rằng, khi thấy mũi nghẹt, ngứa, chảy nước và hắt hơi thì đừng chần chừ, cần đến ngay bệnh viện. Không nên tự mua thuốc uống nếu chưa có chỉ dẫn của bác sĩ.

img Xin cảm ơn ông.

Nhất Phương thực hiện

 Chi phí và thời gian cho một ca mổ?

Trong 5 năm qua, viêm xoang ở người lớn chiếm tỉ lệ 33,7% và ở trẻ em là 19,8% trong tổng số bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Tai - Mũi - Họng TPHCM. Tuy áp dụng hoàn toàn phương pháp mổ nội soi nhưng Trung tâm Tai - Mũi - Họng lại thu phí theo mức giá của cách phẫu thuật cũ, với chi phí trung bình 1,5 triệu đồng và điều trị 7 ngày cho một ca đơn giản (gồm tiền nằm viện, tiền thuốc và phẫu thuật). Thời gian phẫu thuật từ 15 - 30 phút. Với những ca mổ phức tạp, phải mổ nhiều xoang như xoang hàm, sàn, trán, bướm, thời gian kéo dài khoảng 2 giờ.                                                             (P.N.P)

 

Chặn đứng viêm mũi dị ứng để ngăn ngừa viêm xoang

Viêm mũi dị ứng là sự phản ứng mạnh của hệ miễn nhiễm cơ thể đối với những chất gây dị ứng như phấn hoa, mốc meo... Khi hít phải các chất như vậy, những kháng thể dị ứng trong cơ thể được gọi là IgE “nổi dậy” tấn công chất lạ. “Cuộc hỗn chiến” tạo ra tình trạng hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi, ngứa mắt. Đó cũng là những triệu chứng thông thường của viêm mũi dị ứng (VMDƯ) - dấu hiệu đầu tiên của viêm xoang.

 img Tác nhân gây dị ứng là gì?

- Nó gồm nhiều loại, có thể là phấn hoa, mốc meo, thực phẩm, vải, khói bụi, sự thay đổi thời tiết, nhiệt độ hay thậm chí là lông của những con vật như chó, mèo trong nhà...

img Còn phấn hoa?

- Là những hạt phấn nhỏ và nhẹ, dễ bay xa theo gió. Phấn hoa của những cây có hoa rực rỡ như hoa hồng không gây dị ứng. Nhưng nhiều loại cây, cỏ và cỏ dại mọc thấp có phấn hoa nhẹ, nhỏ, khô bị phát tán, gieo rắc dễ dàng bởi gió và là nguồn gây dị ứng quan trọng.

img Cách xác định dị ứng như thế nào?

- Để xác định chất cụ thể nào gây ra dị ứng, các bác sĩ sẽ xét nghiệm da (đôi khi xét nghiệm máu) của bạn bằng cách dùng một lượng nhỏ các chất gây dị ứng thông thường để tác động lên người bạn. Cụ thể, bác sĩ sẽ dùng chất gây dị ứng chà xát trên da, nếu hiện tượng dị ứng xảy ra có nghĩa là chất cụ thể kia đã tạo ra phản ứng dị ứng trong cơ thể bạn, da sẽ trở nên đỏ và sưng phồng từng mảng. Bác sĩ cũng có thể xét nghiệm bằng cách tiêm một lượng nhỏ chất gây dị ứng dưới da nếu cách đầu tiên không hiệu quả.

imgCó tình trạng viêm mũi không dị ứng không?

- Có. Nó xuất hiện bởi nhiều yếu tố,  nhưng những yếu tố này lại không quan hệ gì đến các tác nhân dị ứng hay hệ miễn dịch. Loại viêm mũi không dị ứng này khởi phát bởi tác động của khói, nước hoa, ô nhiễm, thức ăn nhiều gia vị, sự thay đổi nhiệt độ... Các bác sĩ không hiểu hết nguyên nhân vì sao, do đó cũng chỉ có thể điều trị triệu chứng.

img Biện pháp nào chống dị ứng?

- Các thuốc kháng histamine có thể ngăn chặn hoặc giảm thiểu các triệu chứng của VMDƯ và những dị ứng khác. Các thuốc điều trị nghẹt mũi và những triệu chứng khác liên quan đến bệnh cảm và chứng dị ứng. Thuốc bơm  giảm viêm, nghẹt, chảy mũi và hắt hơi.

img Liệu pháp miễn dịch là gì?

- Với việc tiêm định kỳ một “hóa chất đặc biệt” vào cơ thể với số lượng tăng dần, độ nhạy cảm của hệ miễn dịch đối với các chất gây dị ứng sẽ giảm mạnh. Những lần tiêm (thường thực hiện hàng tháng cho tới trên 5 năm) bắt đầu phát huy hiệu quả sau 3 đến 6 tháng. Chỉ riêng ở Mỹ, liệu pháp miễn dịch tác động hiệu quả đối với trên 90% bệnh nhân VMDƯ theo mùa và trên 80% VMDƯ thường xuyên.

img Có hay không tính chất di truyền của VMDƯ?

- Bệnh sử về dị ứng trong gia đình là yếu tố quan trọng cho phép nghĩ đến việc phát sinh bệnh này trong phạm vi gia đình. Nếu một người cha hoặc mẹ mắc bệnh thì đứa bé có 48% khả năng phát triển bệnh; tỉ lệ này sẽ là 70% khi cả cha lẫn mẹ đều có tiền sử dị ứng.

C.T tổng hợp (Theo tài liệu Viện Hàn lâm về Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch học Hoa Kỳ)