Có phải ''bội nhiễm'' Covid-19 từ F0 khác nên bệnh hoài không hết?

(NLĐO) - Bạn đọc Trần Việt Anh (TP HCM) hỏi: ''Gia đình tôi 6 F0, 5 người tự chữa ở nhà, uống túi thuốc y tế phường cấp, đã âm tính được gần 1 tuần nhưng mẹ tôi (58 tuổi, có bệnh nền) đi bệnh viện dã chiến vì mãi không âm tính dù vẫn khỏe. Tôi nghe nói có hiện tượng ''bội nhiễm'' ở bệnh nhân Covid-19, có khi nào mẹ tôi nhiễm thêm virus SARS-CoV-2 từ những người bệnh nặng khác?''

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TP HCM) trả lời:

"Bội nhiễm'' được bàn đến ở bệnh nhân Covid-19 là nhiễm thêm vi khuẩn của những bệnh khác, do nhiễm trùng bệnh viện, có thể gây nguy hiểm cho các bệnh nhân nặng phải nằm hồi sức tích cực. Ở các bệnh nhân khỏe mạnh như mẹ bạn thì chỉ cần lo giữ gìn vệ sinh, vì đang bệnh Covid-19 mà bị thêm đau bụng, tiêu chảy... hay các bệnh lặt vặt do nhiễm khuẩn khác thì sẽ mệt. Riêng virus SARS-CoV-2, đã thành F0 rồi thì không thể bị lây thêm được nữa.

Tốc độ đào thải virus ở mỗi người mỗi khác nên cả nhà cũng bị người âm tính trước, người âm tính sau là chuyện bình thường. Quan trọng là đã khỏe lại, hết triệu chứng thì không có gì phải lo nữa, chú ý bồi bổ, ngủ đầy giấc, tập thể dục nhẹ nhàng..., từ từ sẽ âm tính.

Từ ngày 9-8, Báo Người Lao Động mở chuyên mục "Phòng mạch" Covid-19 với nhiều nội dung phong phú như Hỏi - đáp về các loại bệnh, tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp; Cập nhật những bài viết mang tính thông tin về các chính sách của nhà nước đối với dịch bệnh Covid-19; Các đường dây nóng liên quan dịch bệnh Covid-19…

Câu hỏi của bạn đọc sẽ được Báo Người Lao Động chuyển đến các bác sĩ có uy tín, cũng như những chuyên gia y tế để "chẩn đoán và khám bệnh từ xa", phần nào giải đáp những thắc mắc liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi tin - bài hoặc gởi về Email: phongmachonline@nld.com.vn

Có phải bội nhiễm Covid-19 từ F0 khác nên bệnh hoài không hết? - Ảnh 2.