Đau cổ tay, khớp gối ở phụ nữ sau sinh

BS CK2 Võ Hòa Khánh, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM, trả lời câu hỏi của bạn đọc Báo Người Lao Động

. Bạn đọc Ngọc Hân (40 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) hỏi: Tôi mới sinh đôi, 2 bé đã 9 tháng tuổi. Trước đó, khi sinh mổ được 2 ngày tôi mắc Covid-19 nên phải đi cách ly tập trung. Do điều kiện khu cách ly không như ở nhà nên tôi phải tự đi lại, giặt giũ bằng nước lạnh, nằm phòng có gió lùa lạnh, không mang vớ chân. Khi về nhà thì phải leo cầu thang nhiều, chạy xe máy... Không biết có phải vì không giữ gìn sau sinh mà xương khớp tôi đau khủng khiếp, đặc biệt là khớp gối và khớp cổ tay. Tôi đã uống thêm canxi đến tháng thứ 6. Bây giờ đã 9 tháng sau sinh mà cổ tay tôi vẫn rất mỏi, khó chống gượng ngồi dậy như trước đây. Khớp gối thì đi bộ hơi đau còn chạy thì cảm giác rất thốn. Có phải tôi bị thoái hóa khớp, nên bổ sung gì để trở lại được như cũ?

- Theo diễn tiến tự nhiên, phụ nữ sau 35 tuổi sẽ thoái hóa cơ xương khớp, khớp nào hoạt động nhiều, chịu lực nhiều, linh động nhiều sẽ thoái hóa trước, thông thường ảnh hưởng nhiều nhất là khớp gối và khớp vai. Đau cổ tay không phải là biểu hiện thoái hóa khớp cổ tay mà đó là bị viêm gân dạng ngón cái dài và duỗi ngón cái ngắn của những phụ nữ sau khi sinh (hội chứng De quervain). Triệu chứng đau thường liên quan đến cổ tay vùng gần ngón cái, nếu bạn có vấn đề này thì cần đến bác sĩ khám để chẩn đoán và có lời khuyên từ bác sĩ.

Ngoài ra, hậu Covid-19 cũng có ảnh hưởng đến các vấn đề xương khớp. Biểu hiện chủ yếu là đau nhức các khớp nhưng thường sẽ hết sau 3 tháng. Triệu chứng của thoái hóa khớp gối thường gặp nhất là đau vùng khớp gối, cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội, bệnh nhân thường cảm thấy đau hơn khi vận động hoặc thay đổi tư thế. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể có cảm giác cứng khớp gối, nhất là khi ngủ dậy, phải vận động, xoa bóp mới vận động được.

Có 2 cách điều trị thoái hóa khớp gối là dùng thuốc và không dùng thuốc. Về điều trị không dùng thuốc thì bạn có thể tập thể dục tăng cường cơ bắp, ưu tiên các bài tập giảm lực đè lên khớp gối, tránh té ngã khi di chuyển; giảm cân, tập thể thao phù hợp như bơi lội, yoga... Ngoài ra, cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp: giảm tinh bột, đường, ít dầu mỡ, tăng cường rau củ quả, trái cây, tránh bia rượu...

Về điều trị dùng thuốc phải có ý kiến của bác sĩ. Có một số thuốc như glucosamine, chondroitin, diacerein có tác dụng làm chậm tiến trình thoái hóa khớp. Omega ức chế quá trình viêm của khớp, giúp hồi phục tính toàn vẹn trong cấu tạo và chức năng của khớp.