Món thuốc từ thịt heo

Thịt heo không những là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng mà các bộ phận tim, gan, cật, phổi, giò heo... còn là nguồn cung cấp nhiều vị thuốc quý.

Tim heo tiềm sâm giúp ngủ ngon

Theo dược học cổ truyền, tim heo có vị ngọt mặn, tính bình, không độc, có tác dụng dưỡng tâm bổ máu, an thần, ổn định thần kinh, thu rút mồ hôi, tạo giấc ngủ ngon...

Cách chế biến: Tim heo 1 quả, nhân sâm 10 g, đương quy 15 g (hai thứ có bán tại các cửa hàng dược liệu), muối ăn vừa đủ. Tim heo rửa sạch, dùng dao rạch một đường, nhét nhân sâm và đương quy vào, khâu kín, cho vào thố, thêm nước vừa đủ, hấp cách thủy đến chín, bỏ bã thuốc, nêm muối. Giúp phòng trị mất ngủ, tự ra mồ hôi do rối loạn thần kinh tim. Đây là món thực dưỡng thích hợp dùng cho cả nhà vào dịp lễ, ngày nghỉ cuối tuần.

Canh gan heo dưỡng mắt

Gan heo vị ngọt đắng, tính bình, không độc, có tác dụng dưỡng huyết bổ gan, làm sáng mắt...

Cách làm: Gan heo 100 g, trứng gà 2 quả, hành và muối ăn vừa đủ. Gan thái lát, thêm nước vừa đủ, nấu lửa nhỏ. Sau khi chín, cho vào 2 quả trứng gà, nêm muối, hành. Dùng như món ăn thường xuyên. Món canh gan heo giúp phòng trị yếu thị lực; viễn thị; quáng gà do thiếu dinh dưỡng, rất thích hợp cho những người thường xuyên làm việc trên máy vi tính.

Một món canh khác là canh phổi heo. Phổi heo vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng thanh nhiệt bổ phổi, trị ho, tan đàm.

Cách chế biến: Phổi heo 1 bộ, củ cải 2 trái, nhân hạt mơ 15g, nấu canh. Đây là món giúp trị ho lâu ngày, nhất là thời điểm giao mùa vào đầu năm.

Cật heo xào hẹ bổ thận, tăng sinh lực

Cật heo vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng điều chỉnh chức năng thận, trị đau lưng, di tinh, mồ hôi trộm, ù tai...

Cách làm: Cật heo 1 bộ, lá hẹ 100 g, dầu ăn và muối vừa đủ. Cật heo bổ làm đôi, lạng bỏ màng gân ở giữa, thái lát mỏng, hẹ cắt đoạn cùng cho vào chảo, thêm dầu và muối xào chín. Món ăn có tác dụng bổ thận, chống đau lưng. Thích hợp dùng cho người bị đau lưng do thận suy, đau cơ lưng, di tinh, liệt dương, ra mồ hôi trộm, người già bị ù tai... Đây là món tẩm bổ sau những ngày tháng lao động mệt nhọc.

Bao tử heo hầm tiêu

Bao tử heo vị ngọt, tính hơi ấm, không độc, có tác dụng bồi bổ và điều chỉnh chức năng tiêu hóa, chữa tiêu chảy, di tinh, đái dầm, đặc biệt là đau dạ dày do lạnh...

Cách chế biến: Bao tử heo 1 cái, muối ăn vừa đủ, tiêu trắng 15 g. Bao tử dùng muối chà rửa sạch, cho tiêu trắng vào bao tử, khâu kín, nấu kỹ. Món ăn phòng trị sa dạ dày, đau dạ dày do lạnh, đặc biệt là những lúc ăn uống đồ lạnh quá nhiều từ các bữa tiệc liên hoan, tổng kết.

Giò heo đậu phộng: Làm đẹp

Giò heo vị ngọt mặn, tính bình, không độc, có tác dụng bổ dưỡng, thông sữa, dưỡng thai, làm đẹp da.

Cách làm: Giò heo 1 cái, đậu phộng 200 g, đu đủ 150 g. Thêm nước vào tất cả vật liệu trên nấu lửa nhỏ cho nhừ, nêm muối. Món ăn tác dụng bồi bổ và thông sữa, thích hợp dùng cho phụ nữ sau khi sinh bị thiếu sữa. Ngoài ra, chất đạm trong giò heo chủ yếu gồm collagen, là nhân tố chống lão hóa, tăng tính dẻo dai và đàn hồi của da, góp phần giúp cho phụ nữ luôn giữ được sắc xuân.