Người từng mổ sỏi thận làm gì để tránh tái phát?
(NLĐO)- TS-BS Nguyễn Đạo Thuấn, Khoa Phẫu thuật Điều trị sỏi thận chuyên sâu Bệnh viện Bình Dân TP HCM, trả lời câu hỏi rất được cộng đồng quan tâm về vấn đề làm sao hạn chế tái phát bệnh sỏi thận.
- Bạn đọc Phong Lễ (ở Bình Thuận) hỏi: Ba tôi 65 tuổi đã điều trị phẫu thuật lấy sỏi thận được 2 năm qua. Nghe nói bệnh này rất dễ tái phát và việc điều trị lại sẽ rất khó khăn. Xin bác sĩ tư vấn chỉ cách làm sao để phòng ngừa tái phát loại bệnh này ?
-TS-BS Nguyễn Đạo Thuấn, Khoa Phẫu thuật Điều trị sỏi thận chuyên sâu Bệnh viện Bình Dân TP HCM, trả lời: Sỏi thận là khối cấu trúc bằng đá sỏi hữu cơ khác đá sỏi như ngoài thiên nhiên. Tuy nhiên, thành phần cấu trúc tạo nên viên sỏi gần gần giống nhau. Khi nào các chất tinh thể nhiều lên một cách bất thường hoặc các chất keo kết dính nhiều lên một cách bất thường, nước tiểu bị cô đặc lại, sự thay đổi độ PH của nước tiểu nó có thể làm tạo nên chất kết tủa. Đó là một trong số nguyên nhân gây nên sỏi đường tiết niệu hoặc sỏi đường tiết niệu tái phát.
Tái khám là cực kỳ quan trọng, theo khuyến cáo chung là trong vòng 6 tháng/lần.
Tuy nhiên, có một số tình huống bệnh nhân còn tình trạng nhiễm khuẩn kéo dài còn tình trạng ống thông còn nằm trong cơ thể, còn tình trạng sỏi sót lại nên quá trình tạo sỏi nhanh hơn bình thường. Sỏi đường tiết niệu tái phát rất nhiều. Thống kê cho thấy, sau 1 năm tỉ lệ tái phát từ 5%-10%, sau 5 năm tỉ lệ tái phát tăng lên khoảng từ 20%-30%, sau 10 năm tỉ lệ này tăng 40%-50% và con số tái phát này tăng lên đến 70%-80% sau 20 năm.
Những thói quen sẽ làm tăng sỏi tái phát là uống nước ít quá, vận động nhiều nhưng cung cấp nước ít làm cho độ cô đặc nước tiểu cao lên. Đây là yếu tố làm cho kết tinh của sỏi tạo thành trong nước tiểu. Chế độ ăn uống quá lạm dụng thức ăn uống kéo dài làm tăng các tinh thể. Một điều khá quan trọng là thói quen không tốt ít ai để ý là không tái khám định kỳ.
Để hạn chế tái phát sỏi thận, điều quan trọng nhất là phải uống nhiều nước (trên dưới 2 lít 1 ngày đêm) và phải biết uống bao giờ vừa. Đó là để ý dòng nước tiểu có màu hơi vàng nhạt một chút là vừa, sậm màu quá cho thấy nước đưa vào cơ thể quá ít. Điều quan trọng nữa là dù đưa tổng lượng nước vào rồi nhưng biết cách rải nước tiểu ra đều trong ngày chứ không phải chờ khát quá rồi mới uống một lượng lớn. Phải vận động tập thể dục thể thao đều đặn, không cần phải nặng nề, vận động tại chỗ cũng được miễn sao để thải chất ứ đọng qua mồ hôi góp phần giúp cơ thể tránh quá trình tạo sỏi đường tiết niệu. Chế độ ăn uống phải đầy đủ (đừng ăn quá mặn, đừng ăn quá nhiều thịt đỏ, ăn nhiều rau củ như bao bệnh lý bình thường khác) và tái khám theo định kỳ.
Tái khám là cực kỳ quan trọng, theo khuyến cáo chung là trong vòng 6 tháng/lần. Tuy nhiên, với khí hậu nóng ẩm như Việt Nam, một người đã điều trị sỏi thận thì trong năm đầu tiên nên tái khám mỗi 3 tháng/lần. Nếu không thấy tái phát thì năm thứ 2 sau đó nên mỗi 6 tháng/lần và nếu không thấy tái phát thì nên kiểm tra hằng năm (siêu âm bụng tổng quát, tổng phân tích nước tiểu, nếu phát hiện yếu tố tái phát là xét nghiệm…). Không có một thuốc gì làm tan sỏi đường tiết niệu hết. Lượng nước nhập vào nhiều dễ kéo theo sỏi nhỏ ra ngoài. Một số thảo dược thiên nhiên dễ kiếm, giúp người dân cảm giác uống được nhiều nước, đây là điều rất có lợi phòng ngừa sỏi lắng đọng, sỏi nhỏ theo nước tiểu ra ngoài một cách dễ dàng hơn.