Tăng thêm 5 đơn vị BMI, thêm 31% nguy cơ tử vong

TS-BS Trần Quang Nam, Trưởng Khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết béo phì là một bệnh mạn tính và phức tạp. Nguyên nhân chính của béo phì liên quan với tình trạng ăn nhiều thức ăn giàu năng lượng như bột, đường, chất béo và lối sống ít vận động. Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác như do bệnh lý, di truyền, các tuyến nội tiết, ảnh hưởng của môi trường sống... và còn do cả những biến cố xảy ra trong cuộc sống.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, chỉ số khối cơ thể (BMI) ≥ 30 thì được coi là béo phì. Với người châu Á, chỉ số này thấp hơn, cụ thể người có BMI ≥ 23 được coi là thừa cân và BMI ≥ 25 là người bệnh béo phì. Bệnh béo phì liên quan đến hơn 200 bệnh lý khác nhau. Đây là nguyên nhân khiến 2,8 triệu người tử vong mỗi năm.

Tăng thêm 5 đơn vị BMI, thêm 31% nguy cơ tử vong - Ảnh 1.

TS-BS Trần Quang Nam tư vấn điều trị cho một người mắc chứng béo phì

Một số biến chứng nghiêm trọng điển hình của bệnh béo phì bao gồm: đái tháo đường, bệnh tim, đột quỵ, cao huyết áp, bệnh thận, bệnh gan, chứng rối loạn giấc ngủ, các vấn đề về xương khớp, những rủi ro đối với phụ nữ khi mang thai và một số dạng ung thư nguy hiểm.

Các nghiên cứu cho thấy, kể từ mức BMI = 25 trở lên, cứ tăng thêm 5 đơn vị BMI, nguy cơ tử vong sớm sẽ gia tăng đến 31%.