Từ tháng 6, vắc-xin "5 trong 1" sẽ thay thế vắc-xin Quinvaxem

(NLĐO)- Tháng 6-2018, Bộ Y tế sẽ đưa vào sử dụng trên quy mô nhỏ tại 4 tỉnh vắc-xin 5 trong 1 mới, thay thế vắc-xin Quinvaxem đang sử dụng hiện nay.

Từ tháng 6, vắc-xin 5 trong 1 sẽ thay thế vắc-xin Quinvaxem - Ảnh 1.

Bộ Y tế dự kiến thay thế vắc-xin Quinvaxem

Ngày 27-3, Bộ Y tế cho biết đang xây dựng kế hoạch thay thế vắc-xin phối hợp 5 trong 1 Quinvaxem (của Hàn Quốc) phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, bằng một vắc-xin mới. Tháng 6-2018, Bộ Y tế sẽ đưa vào sử dụng trên quy mô nhỏ tại 4 tỉnh vắc-xin 5 trong 1 mới. Dự kiến, cuối quý II/2018, sẽ đưa vắc-xin này sử dụng rộng rãi trên quy mô toàn quốc.

Hơn 7 năm qua, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã sử dụng vắc-xin Quinvaxem để tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi. Hiện nay, nhà sản xuất Berna Biotech đã ngừng sản xuất vắc-xin Quinvaxem, số vắc-xin Quinvaxem còn lại dự kiến sẽ sử dụng đến hết tháng 5-2018 trên quy mô toàn quốc. Vì vậy, Bộ Y tế đã có kế hoạch chuyển đổi sử dụng vắc-xin Quinvaxem bằng loại vắc-xin phối hợp 5 trong 1 tương tự về thành phần và hiệu quả phòng bệnh. Trong thời gian chuyển đổi, vắc-xin Quinvaxem vẫn tiếp tục được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng cùng với việc chuyển đổi sử dụng loại vắc-xin phối hợp 5 trong 1.

Năm 2017, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia ghi nhận 27 ca tai biến nặng sau tiêm chủng tại 9 tỉnh, thành phố, trong số này có 5 trường hợp do vắc-xin BCG (phòng lao); 6 trường hợp sau tiêm viêm gan B; 2 trường hợp sau tiêm BCG và viêm gan B; 1 trường hợp sau tiêm Quinvaxem; 8 trường hợp sau tiêm Quinvaxem và vắc-xin phòng bại liệt; 1 trường hợp sau tiêm Quinvaxem, BCG và vắc xin bại liệt. Ngoài ra, có 3 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin uốn ván và 1 trường hợp sau tiêm vắc-xin viêm não.