TƯ VẤN SỨC KHỎE - TƯ VẤN SỨC KHỎE

* Thời gian gần đây mặt tôi nổi lên nhiều mụn, sờ tay lên mặt thấy gồ ghề. Tôi đã chữa bằng nhiều thuốc, cả thuốc nam và thuốc các bác sĩ da liễu cho, nhưng không thấy giảm. Có người giới thiệu cho tôi phương pháp hút mụn. Tôi chữa mụn bằng cách này có tốt không, da mặt có để lại vết thâm, dễ gây nhiễm trùng không?

Thu Hương (H. Bình Chánh, TPHCM)

- Bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng, Bệnh viện Da liễu TPHCM, trả lời: Mụn là một bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra, muốn chữa trị có kết quả tốt cần loại trừ nguyên nhân, kết hợp với thuốc chữa trị tại chỗ và toàn thân. Đây là việc làm đòi hỏi sự kiên nhẫn. Chỉ nên hút các loại mụn đầu đen, mụn mềm đã có mủ, đối với các mụn khác thì không nên nặn. Nặn mụn không đúng sẽ để lại sẹo xấu, sẹo thâm kéo dài, đôi khi có thể bị nhiễm trùng, lây nhiễm HIV, viêm gan siêu vi B... Do đó, không nên đi nặn mụn bừa bãi khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu.

* Siêu vi B, C tồn tại khá lâu trong môi trường lây nhiễm. Vậy với các phương pháp khám phụ khoa như soi cổ tử cung, siêu âm cổ tử cung nhưng không qua vùng bụng có khả năng lây nhiễm siêu vi B, C không?

Hương Hoa (Long An)

- BS Bùi Hữu Hoàng, giảng viên Trường ĐH Y Dược TPHCM, trả lời: Bệnh viêm gan do siêu vi B, C, D có thể lây nhiễm qua các dụng cụ y tế không đảm bảo vô trùng. Nếu các dụng cụ này được khử trùng tốt, đúng quy cách thì sẽ tránh được sự lây nhiễm.

* Người bị nhiễm siêu vi viêm gan nếu uống thuốc trị huyết áp có bị ảnh hưởng gan không?

 Trương Hà Nam (Tây Ninh)

- BS Bùi Hữu Hoàng, giảng viên Trường ĐH Y Dược TPHCM, trả lời: Không chỉ riêng thuốc điều trị huyết áp, mà bất kỳ thuốc điều trị các bệnh khác cũng có thể có những loại thuốc  ảnh hưởng trên gan. Vấn đề quan trọng là khi đi khám bệnh, chúng ta phải báo cho bác sĩ điều trị biết là mình có bệnh gan để bác sĩ chọn lựa thuốc thích hợp ít gây độc tính trên gan, cũng như ít được biến đổi và đào thải qua gan.