Cả người lẫn máy, không ai mất mặt

Sau 8 ván đấu, kỳ thủ Nga I. Kramnik lãnh 800.000 USD

Bão táp được chờ đợi vào ngày phán xét cuối cùng đã không xảy ra. Dù cầm trắng nhưng Kramnik (ảnh) vẫn không liều lĩnh, chấp nhận hòa sau 21 nước – ván hòa ngắn nhất của trận đấu. Với tỉ số chung cuộc 4 – 4, cả hai phía người – máy đều không ai bị mất mặt và vui vẻ bàn về trận tái đấu sắp tới.

Với tâm lý hòa cả làng, khó có nhiều điều để nói về ván đấu quyết định vốn được chờ đợi là  rất quyết liệt. Ngay khi Kramnik chào mời Deep Fritz chơi một trong những khai cuộc gay cấn nhất – phương án Botvinnhik trong phòng thủ Slavơ, đó vẫn chỉ là cơn bão... trong tách trà. Deep Fritz từ chối chơi căng thẳng (chuyện hy hữu với máy!), rồi đến lượt Kramnik thể hiện tình yêu hòa bình, chấp nhận chia điểm nhanh.

Dẫu sao, bức màn bí ẩn vẫn bao quanh kết quả hòa đơn giản này. Sau 4 ván đầu chơi xuất sắc, tại sao Kramnik sa sút khó hiểu ở 4 ván cuối?  Đặc biệt  trong ván 6, ở thế cờ các chuyên gia chỉ rõ còn nhiều khả năng hòa, Kramnik lại vội đầu hàng. Kịch bản này, trớ trêu thay đã xảy ra trong trận Kasparov – Deep Blue 1997: Vua cờ cũng vội vã đầu hàng ván 2 dù còn cơ hội cầm hòa!

Như thế xem ra những trận đấu người – máy dù rất lý thú về mặt khoa học và thu hút giới truyền thông, vẫn mang tính thương mại chứ chưa hẳn là sự kiện thể thao nghiêm túc. Suy xét cho cùng, các nhà VĐTG chẳng mất gì cả nếu lỡ thua máy tính. Bù lại, họ nhận số tiền lớn, như lần này Kramnik bỏ túi 800.000 USD. Còn dù đạt được kết quả hòa, đội Deep Fritz “chỉ” nhận 200.000 USD và họ lại thoải mái hiến dâng tất cả vào quỹ từ thiện của Hội Cờ vua trẻ châu Âu!