Quanh sự cố pháo sáng: Xử lý thích đáng “những kẻ vô hình”

(NLĐO) - Trong hai số báo “Cú tát” vào hệ thống điều hành bóng đá Việt Nam (27-4-2019) cùng “Người vô hình” VPF và những chuyện dở khóc dở cười (29-4-2019), Báo Người Lao Động đã phản ánh đầy đủ về trách nhiệm cùng hậu quả xấu mà bóng đá Việt Nam (BĐVN) sẽ nhận được, ở đây là V-League và cụ thể hơn là Ban tổ chức (BTC) các trận đấu trên sân Hàng Đẫy, qua sự cố không kiểm soát được tình trạng đốt pháo sáng.


Qua hai bài báo trên, Báo Người Lao Động cũng đã đưa ra giải pháp làm thế nào để tránh thực trạng này khi mà trong tháng 4-2019, Ban Kỷ luật (BKL) VFF ban hành hai quyết định kỷ luật ở Cúp quốc gia và V-League mang tính răn đe, giáo dục cao hướng đến cái đích dần lấy lại hình đẹp của một nền bóng đá sạch cho Việt Nam thì Ban giải quyết khiếu nại (BGQKN) đều hủy bỏ rồi đưa ra hai quyết định mới đều giảm nhẹ mức phạt hơn rất nhiều so với BKL.

Ở trận đấu Viettel tiếp SLNA tối 5-5-2019 trên sân Hàng Đẫy ở vòng 8 V-League lại xảy ra tình trạng đốt pháo sáng. Cho dù BTC đã kiểm soát được tình hình nhưng rõ ràng việc để khán giả đem pháo sáng rồi đốt được trong khi trận đấu đang tiếp diễn đã phản ánh đầy đủ năng lực chưa tốt của BTC trận đấu ở sân Hàng Đẫy, vì đây không phải là lần đầu tiên.

Cũng ở vòng 8 V-League, sân Thống Nhất đã không có hiện tượng đốt pháo sáng khi Saigon FC tiếp Hải Phòng. Nhắc đến trận này mà không nói đến những trận khác cũng ở vòng 8 V-League, vì gần như đã thành luật bất thành văn: khi nói đến đốt pháo sáng là luôn cho rằng lỗi thuộc về CĐV Hải Phòng! Vậy thì khi chưa có bằng chứng, qua những gì diễn ra ở hai sân Thống Nhất và Hàng Đẫy diễn ra cùng thời gian, cùng ở V-League, trên lý thuyết, chúng ta có thể khẳng định: lỗi để đốt pháo sáng trong sân thuộc về BTC sân Hàng Đẫy.

Quanh sự cố pháo sáng: Xử lý thích đáng “những kẻ vô hình” - Ảnh 1.

Pháo sáng trên sân Hàng Đẫy trong trận Hà Nội - Hải Phòng

Bây giờ thì sau nhiều lần vi phạm, BTC sân Hàng Đẫy có bắt được người đem rồi đốt pháo sáng trong trận Viettel – SLNA? Đó là CĐV của một trong hai đội trên, hay của những khán giả quá khích, hay của CĐV những đội khác và không loại trừ khả năng có nhóm nào muốn phá hoại BTC sân Hàng Đẫy cũng như là BĐVN?

Lỡ dại, có kẻ nào phá hoại, đem chất nổ vào sân thì hậu quả sẽ như thế nào? Thế mới thấy BGQKN đã có phần tiếp tay, dung dưỡng những hành động xấu khi dỡ bỏ lệnh cấm đội Hà Nội thi đấu trên sân Hàng Đẫy không có khán giả ở vòng 7 V-League trong trận gặp đội TP HCM vào ngày 27-4. May mà lãnh đạo CLB TP HCM không gởi đơn khiếu nại về quyết định có phần tiếp tay cho cái xấu ngày càng lớn mạnh của BGQKN lên VPF và VFF. Việc này hoàn toàn có thể xảy ra vì đây là trận đấu quyết định đến ngôi vị đầu bảng V-League mà đội TP HCM sẽ có lợi thế không nhỏ khi thi đấu với đội chủ nhà Hà Nội trên sân không có khán giả.

Cần phải biết rằng trong trường hợp đội Hà Nội thua thiệt bao nhiêu khi phải thi đấu trên sân Hàng Đẫy không có khán giả, thì đó là trách nhiệm mà BTC sân Hàng Đẫy phải bồi thường cho Công ty Cổ phần Thể thao T&T (CLB bóng đá Hà Nội) – đơn vị chủ quản của đội Hà Nội, và cũng là đơn vị đã gởi đơn khiếu nại đến BGQKN.

Như thế, việc cần làm trước tiên là VPF mà ở đây là Trưởng BTC V-League, ông Nguyễn Trọng Hoài, Phó Tổng Giám đốc VPF, phải báo cáo với Chủ tịch HĐQT VPF là ông Trần Anh Tú (đồng thời cũng là thành viên trong Ban thường vụ VFF), để từ đó VPF đưa ra phương án kiểm soát tình trạng bất an trên khán đài. Nếu thấy vượt quá khả năng, VPF phải báo cáo đầy đủ với VFF thậm chí kiến nghị cần đến sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành lực lượng công an điều tra để dẹp vấn nạn này.

Cho đến nay, VPF vẫn án binh bất động, vì sao? Báo Người Lao Động đã nhiều lần cảnh báo BĐVN khi không có kỷ cương sẽ tất loạn nếu như VFF và VPF không làm quyết liệt, không làm rõ để lôi ra cho bằng được "những kẻ vô hình" đang ẩn mình phá hoại bóng đá nước nhà.