Ả Rập Saudi thành “Syria thứ hai”?

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tự tin tuyên bố liên minh do Mỹ đứng đầu nhằm chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sẽ đạt được mục tiêu làm suy yếu đáng kể nhóm này vào cuối năm 2016.

“Bọn chúng đã mất khoảng 35% - 40% lãnh thổ” - ông Kerry nhấn mạnh bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos - Thụy Sĩ ngày 22-1.

Ông Kerry cho hay sẽ gặp ngoại trưởng 24 nước trong liên quân ở Rome - Ý vào tháng 2 tới để bàn thêm về chiến lược. Đầu tuần này, bộ trưởng quốc phòng nhiều nước cũng nhóm họp ở Paris - Pháp và Mỹ cam kết tăng thêm quân để chống IS.

 

IS đã nhận trách nhiệm vụ đánh bom trại huấn luyện an ninh ở TP Zliten-Libya hôm 7-1 làm chết 60 người Ảnh: EPA
IS đã nhận trách nhiệm vụ đánh bom trại huấn luyện an ninh ở TP Zliten-Libya hôm 7-1 làm chết 60 người Ảnh: EPA

 

Cùng ngày 22-1, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết liên quân đã tiêu diệt khoảng 22.000 phần tử IS kể từ giữa năm 2014. “Đã lâu IS chưa tổ chức được một đợt tấn công lớn nào. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải thận trọng” - ông Le Drian nói.

Tương tự, tạp chí The National Interest (Mỹ) nhận định IS đang bị dồn vào chân tường nhưng vẫn có thể khuấy đảo một số khu vực. Theo tờ báo, với nền kinh tế bất ổn do tác động của dầu mỏ và một tiền sử xung đột với các nước láng giềng, Ả Rập Saudi sẽ là một địa điểm lý tưởng cho IS và có nguy cơ trở thành “Syria thứ hai”.

Ngoài ra, theo báo Sudan Tribune, các cơ quan tình báo Mỹ và phương Tây ước tính khoảng 5.000 phiến quân IS đã có mặt ở Libya, hầu hết xâm nhập qua ngả Tunis - Tunisia. Nếu gia tăng ảnh hưởng ở Libya, IS sẽ có thêm cơ hội đe dọa châu Âu. Còn Ấn Độ hôm 22-1 đã triệt phá 1 mạng lưới khủng bố được cho là có dính líu đến IS với âm mưu đánh bom trên cả nước vào đêm trước ngày Cộng hòa (26-1), theo báo The Hindu.

Từ khi tuyên bố thành lập cái gọi là đế chế Hồi giáo vào tháng 6-2014, IS đã thực hiện hoặc kích động trên 60 vụ khủng bố ở 20 quốc gia (không tính Iraq và Syria), làm chết ít nhất 1.160 người và bị thương hơn 1.700 người. Con số này ở Iraq và Syria cao hơn nhiều.

Nhằm ngăn chặn các phần tử thánh chiến (trong đó có IS), Mỹ thực thi những thay đổi mới trong Chương trình Miễn thị thực nhập cảnh (VWP) ngày 21-1. Công dân của 38 quốc gia trong VWP nếu từng đặt chân tới các nước có “nguy cơ khủng bố cao” như Syria, Iraq, Iran hay Sudan từ tháng 3-2011 sẽ phải qua vòng phỏng vấn khi xin visa vào Mỹ.