Ai cập chia rẽ trước bầu cử

Thông tin về việc bổ nhiệm ông Ganzouri, người đứng đầu Chính phủ Ai Cập từ năm 1996 đến 1999 dưới thời ông Hosni Mubarak, đứng ra lập chính phủ đã không được những người chống đối hoan nghênh

Những người chống đối chính phủ ở Cairo đang chuẩn bị tổ chức một cuộc tập hợp đông đảo khác để yêu cầu các nhà cầm quyền trong giới quân sự Ai Cập từ chức.

Những người biểu tình yêu cầu hoãn cuộc bầu cử quốc hội dự kiến diễn ra vào thứ hai tới. Nội các dân sự được quân đội chỉ định trước đây đã từ chức hồi đầu tuần này theo sau những cuộc phản đối đầy bạo lực ở thủ đô và các thành phố khác. Truyền thông nhà nước đưa tin quân đội Ai Cập đã chỉ định cựu thủ tướng Kamal Ganzouri thành lập chính phủ mới. Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang (SCAF) đang giám sát việc chuyển tiếp sang quyền lực dân sự sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị phế truất hồi tháng 2 năm nay.
img
Một phụ nữ đang tìm cách tháo dỡ hàng rào kẽm gai do binh lính Ai Cập dựng lên hôm 24-11 gần Quảng trường Tahrir. Ảnh: AP

Mặc dù SCAF hứa hẹn đẩy nhanh tiến trình chuyển tiếp, nhiều người dân Ai Cập lo ngại họ có ý định bám lấy quyền lực. Lúc này người dân Ai Cập muốn các cuộc bầu cử được xúc tiến mà không bị cản trở. Nhóm đối lập chính Tình huynh đệ Hồi giáo - được dự báo có nhiều triển vọng trong các cuộc bầu cử - hiện không ủng hộ những người phản đối.

Thông tin về việc bổ nhiệm ông Ganzouri, người đứng đầu Chính phủ Ai Cập từ năm 1996 đến 1999 dưới thời ông Hosni Mubarak, đã không được những người chống đối hoan nghênh. “Lần thứ hai chúng tôi phụ thuộc vào người canh gác cũ của chế độ Mubarak. Tại sao chúng ta không trao cơ hội cho những người trẻ thay vì những người đã ở tuổi 80?” - Suhir Nadim, một người đàn ông ở Quảng trường Tahrir, nói với hãng tin Reuters.

Cũng vậy, Hossam Amer, 44 tuổi, một người chống đối khác, tỏ vẻ bất bình: “Bổ nhiệm Ganzouri là sự tổn thương đối với cuộc cách mạng”.

Các nhà hoạt động gọi ngày thứ sáu (25-11) là “cơ hội cuối cùng” cho người dân Ai Cập đòi hỏi chuyển giao ngay quyền lực cho phe dân sự. Liên hiệp Nghiệp đoàn Độc lập Ai Cập kêu gọi một cuộc tuần hành đến Quảng trường Tahrir, trong khi một nhóm đấu tranh vì quyền lao động khác cổ động cho một cuộc biểu tình rộng khắp để ủng hộ những người phản kháng.
 
Trong khi đó, đài truyền hình nhà nước hôm 25-11 đã dẫn lời Bộ trưởng Y tế cho biết 41 người chết trong cuộc bạo động. Hội đồng quân sự đưa ra lời chia buồn cũng như đề nghị bồi thường cho các gia đình có người thiệt mạng. Một nhóm bảo vệ truyền thông đề nghị các cơ quan truyền thông thứ cấp tạm thời ngưng gửi phụ nữ đến Ai Cập sau khi có thông tin hai nữ nhà báo đã bị tấn công tình dục.

Trên website của mình, báo nhà nước al-Ahram cho biết ông Ganzouri, 78 tuổi, đã đồng ý về nguyên tắc dẫn dắt một “chính phủ cứu nguy đất nước” sau khi gặp người đứng đầu SCAF là Thống chế Mohamed Hussein Tantawi. Ông Ganzouri, người không mặn mà với chế độ Mubarak và từng được xem là “thủ tướng của người nghèo”, được đề xuất là ứng viên tổng thống.