Al-Qaeda và IS đấu đá dữ dội

Nội bộ nhóm nổi dậy Hồi giáo Al Shabab (đồng minh Al-Qaeda ở Somalia) đang đấu tranh tư tưởng: Tiếp tục trung thành với Al-Qaeda hoặc theo IS?

Abdilmalik Jones, phiến quân Al Shabab, thú nhận rằng anh ta đầu hàng lực lượng an ninh Somalia để tránh bị Al-Qaeda xử tội chết do chuyển sang thề trung thành với IS, theo kênh Al Jazeera.

Sự kình địch giữa 2 tổ chức khủng bố hùng mạnh nhất thế giới này đã lên đến cao trào mới hồi tháng 11 năm nay khi IS nhận trách nhiệm vụ tấn công liên hoàn ở Paris - Pháp và Al-Qaeda “đáp lễ” bằng vụ bắt giữ con tin ở Bamako, thủ đô Mali.

 

Lực lượng IS ở Afghanistan ngày càng lớn mạnh. Ảnh: Daily Mail
Lực lượng IS ở Afghanistan ngày càng lớn mạnh. Ảnh: Daily Mail

 

Cả hai đều tranh giành tân binh, tính chính danh và thế thống trị. Khi Al-Qaeda tuyệt giao với IS vào năm 2014, báo The New York Times (Mỹ) đã dự đoán về sự cạnh tranh nguồn lực và chiến binh, dẫn đến hình thành “một cuộc nội chiến chồng nội chiến”.

Trong mấy tháng gần đây, thế vượt trội của Al-Qaeda bị đảo ngược do IS táo tợn thực hiện nhiều vụ tấn công gây nhiều thương vong lớn.

Cảnh đấu đá giờ lan tới châu Phi. Kể từ khi gia nhập Al-Qaeda năm 2012, Al Shabab mở rộng ảnh hưởng ở Somalia và lấn sang cả Kenya. Sau nhiều tháng dụ dỗ không thành, IS đang tìm cách xâm nhập Al Shabab và “làm rối tung mọi thứ ở Somalia”, theo lời một chỉ huy Al Shabab tên Abu Mohammed. Trước đó, IS đã “cải tạo” Boko Haram, biến nhóm vũ trang Nigeria từng được mệnh danh là Al-Qaeda ở Tây Phi thành nhánh “Tỉnh Tây Phi của IS”.

Trong chiến dịch biểu dương sức mạnh quân sự, IS gần đây công bố những bức ảnh chụp các loại vũ khí tinh vi và có sức công phá mạnh trên Twitter. Trong số ảnh được cho là chụp khi IS tấn công sân bay quân sự Deir Ezzor (Syria) có súng chống tăng, vũ khí tự động và cả xe tăng hạng nặng.

Theo báo Mirror, Tổ chức Ân xá Quốc tế khẳng định đa phần vũ khí phiến quân IS sử dụng đều có nguồn gốc từ các cường quốc phương Tây đang ném bom để cố tiêu diệt chúng. Số lượng vũ khí khổng lồ này được tuồn vào Iraq nhiều năm trời, trong lúc Baghdad vất vả giành lại quyền kiểm soát đất nước sau khi Anh, Mỹ rút quân về nước.