Bé trai tị nạn 16 tháng tuổi chết úp mặt xuống bùn

(NLĐO) – Bức ảnh cậu bé Mohammed Shohayet, 16 tháng tuổi, nằm chết úp mặt xuống bùn khi cùng gia đình chạy từ Myanmar sang Bangladesh khiến người xem không khỏi ám ảnh.

Tờ Daily Mail hôm 4-1 đưa tin cậu bé Mohammed chết đuối khi cùng gia đình vượt sông Naf để sang Bangladesh tị nạn. Cậu bé sống ở bang Rakhine – Myanmar, thuộc cộng đồng Hồi giáo Rohingya.

Nhiều người Rohingya nói họ bị quân đội Myanmar bức hại, phải bỏ trốn khỏi đất nước.

Mohammed đã ở với mẹ và anh trai lúc con thuyền chở họ bị chìm xuống sông. Thi thể cậu bé sau đó bị cuốn vào bờ, nằm úp mặt xuống bùn. Bức ảnh về cái chết thương tâm của cậu bé mới 16 tháng tuổi được so sánh với em bé tị nạn người Syria Aylan Kurdi, 3 tuổi, chết đuối ngoài khơi bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ khi tìm cách rời khỏi Syria năm 2015.

Cậu bé Mohammed nằm chết úp mặt xuống bùn. Ảnh: DAILY MAIL
Cậu bé Mohammed nằm chết úp mặt xuống bùn. Ảnh: DAILY MAIL

Ông Zafor Alam, cha của Mohammed (hiện đã tới Bangladesh an toàn), khẩn thiết kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý đến hoàn cảnh khốn khổ của người Rohingya ở Myanmar sau cái chết của con trai.

“Khi tôi nhìn thấy bức ảnh con trai mình, tôi chỉ muốn quyên sinh. Không có gì trên thế giới này mà tôi có thể bấu víu. Tôi muốn cho tất cả mọi người đều biết" - ông Alam nói với đài CNN.

Hàng chục ngàn người Rohingya đã vượt qua biên giới vào Bangladesh, trong khi hơn 120.000 người bị mắc kẹt trong các trại di dời bẩn thỉu kể từ khi bạo lực nổ ra ở bang Rakhine vào năm 2012. Tại bang này, người Rohingya bị từ chối quyền công dân, không được tiếp cận với chăm sóc y tế và giáo dục.


Phần đông dân số Myanmar theo đạo Phật nên tộc người Rohingya thường xuyên bị kỳ thị. Ảnh: YOUTUBE

Phần đông dân số Myanmar theo đạo Phật nên tộc người Rohingya thường xuyên bị kỳ thị. Ảnh: YOUTUBE

Tuần trước, một đoạn video quay cảnh lực lượng an ninh Myanmar đánh đập một số người Rohingya đã gây phẫn nộ trên mạng xã hội.

Cộng đồng quốc tế đang tăng sức ép yêu cầu chính phủ Myanmar ra tay bảo vệ cộng đồng Rohingya.

Tuy nhiên, một ủy ban của chính phủ Myanmar vào tuần rồi đã ra báo cáo bác bỏ cáo buộc lực lượng an ninh nước này lạm dụng người Rohingya hoặc buộc họ rời khỏi đất nước.

Chính phủ Myanmar từ chối công nhận người Rohingya là một trong những dân tộc thiểu số của nước này. Thay vào đó mô tả họ như là người Bengal hoặc những người nhập cư bất hợp pháp từ nước láng giềng Bangladesh.