Châu Âu thêm đau đầu vì thỏa thuận khí đốt Serbia - Nga

(NLĐO) - Đài CNN nhận định Liên minh châu Âu (EU) sẽ đau đầu trước thỏa thuận cung cấp khí đốt mà Serbia vừa ký với Tập đoàn nhà nước Gazprom (Nga).

Cuối tuần trước, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tuyên bố nước này đã đồng ý thỏa thuận cung cấp khí đốt 3 năm mới với nhà cung cấp năng lượng nhà nước Nga, Gazprom.

Theo đài CNN, thông tin mà ông Vucic công bố đến vào "thời điểm khó xử" và Serbia "đã tạo ra một cơn đau đầu mới" cho EU.

Mặc dù Serbia không phải là thành viên EU nhưng kế hoạch mở rộng EU cũng bao gồm một số nước láng giềng của Serbia. Trong đó, EU được cho là muốn mở rộng về phía Đông và coi các nước ở Tây Balkan - đặc biệt là Serbia - giống như chìa khóa đối với an ninh châu Âu.

Châu Âu thêm đau đầu vì thỏa thuận khí đốt Serbia - Nga - Ảnh 1.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Ảnh: Reuters

Quy mô, dân số và vị trí địa lý của Serbia khiến nước này đóng vai trò quan trọng trong địa chính trị của khu vực. Nhưng đáng nói là Serbia phụ thuộc vào khí đốt của Nga cũng như hợp tác quân sự với Moscow. Nói tóm lại, Serbia được hưởng lợi rất nhiều từ mối quan hệ với Nga và ngay cả khi trở thành thành viên EU, họ sẽ không muốn bỏ đi những lợi ích đó.

Trong khi Serbia ủng hộ một số nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đối với "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine song họ không tham gia trừng phạt Moscow. Thỏa thuận khí đốt mới của Serbia với Nga, theo một số quan chức và nhà phân tích EU, có thể là một bước đi gây bất lợi đối với một số thành viên EU.

"Thỏa thuận này sẽ giảm kỳ vọng của những người muốn cắt bớt ảnh hưởng của Nga trong khu vực" - Phó GS Filip Ejdus, Trường ĐH Belgrade (Serbia), bình luận.

Một quan chức cấp cao EU nói với đài CNN: "Chúng tôi đang lo lắng. Sự liên kết từ các nước bên ngoài EU đang quan trọng hơn bao giờ hết đối với các nước bên trong EU". Quan chức này được cho là đề cập tới Hungary, thành viên EU phản đối áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn lên Nga.

Đài CNN cho biết EU đã đối mặt với nhiều khó khăn kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu hôm 24-2. Việc giữ cho lập trường của tất cả 27 thành viên hòa hợp không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Thỏa thuận khí đốt Serbia - Nga được công bố cùng thời điểm các nhà lãnh đạo EU nhóm họp để thảo luận về lệnh cấm năng lượng Nga.