Dè chừng Trung Quốc, Mỹ-Ấn hợp tác hậu cần quân sự

(NLĐO) – Mỹ và Ấn Độ hôm 29-8 đã ký thỏa thuận hợp tác cho phép 2 bên sử dụng các căn cứ hải quân, lục quân và không quân của nhau cho công tác tiếp tế và sửa chữa.

Thỏa thuận trên được đánh giá là bước đi củng cố mối quan hệ quốc phòng giữa 2 quốc gia này trước những tham vọng trên biển ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Tại buổi họp báo hôm 29-8 ở Washington (Mỹ), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định thỏa thuận nêu trên sẽ giúp “việc hậu cần trong những hoạt động chung diễn ra dễ dàng và hiệu quả hơn”.

Về phần mình, người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar cũng cho rằng thỏa thuận sẽ tạo điều kiện cho hải quân Ấn Độ và Mỹ dễ dàng hỗ trợ nhau trong những hoạt động chung như tập trận hoặc các sứ mệnh hỗ trợ nhân đạo.


Thỏa thuận hợp tác hậu cần quân sự Mỹ-Ấn được xem là cột mốc trong hợp tác quan hệ quốc phòng hai bên. Ảnh: REUTERS

Thỏa thuận hợp tác hậu cần quân sự Mỹ-Ấn được xem là cột mốc trong hợp tác quan hệ quốc phòng hai bên. Ảnh: REUTERS

Dù không nêu đích danh Trung Quốc nhưng tại cuộc họp báo chung của hai bên, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ và Mỹ đều nhấn mạnh tầm quan trọng của dòng chảy tự do thương mại đến cả hai quốc gia này.

“Mỹ và Ấn Độ cùng quan tâm đến tự do hàng hải, hàng không và thương mại không bị cản trở nằm trong trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” - ông Parrikar nói.

Thỏa thuận hợp tác hậu cần quân sự Mỹ - Ấn được xem là cột mốc trong hợp tác quan hệ quốc phòng hai bên. Việc đi đến thỏa thuận cho thấy chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dành ưu tiên cho việc xây dựng quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với Mỹ.

Điều này cũng được thể hiện qua sáng kiến của ông Carter vào năm ngoái khi ông thiết lập một đơn vị đặc biệt thuộc Lầu Năm Góc để thúc đẩy mối quan hệ với Ấn Độ.

Bên cạnh thỏa thuận hậu cần, Mỹ và Ấn cũng có thống nhất thỏa thuận về chia sẻ dữ liệu hàng hải và thông tin liên lạc.